Ngôi là Bê-pha-giê (Bethphage) là ngôi làng được nhớ đến như là điểm bắt đầu của Chúa Jesus trước khi Chúa vào thành Jerusalem như một Vị Vua khải hoàn. Đây là chặng dừng chân để chuẩn bị của Chúa Jesus trước khi Ngài vào thành phố Jerusalem “Vừa khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ gần đến thành Giê-ru-sa-lem, và đã tới thành Bê-pha-giê, bên núi Ô-li-ve rồi, thì Ngài sai hai môn đồ,…” ( Ma-thi-ơ 21:1; Mác 11:1; Lu ca 19:29). Việc Chúa Jesus vào thành đã được kỷ niệm hằng năm tại đây vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Ngôi làng đó ngày nay nằm trên sườn phía đông của Núi Ô-liu và gần Bê-tha-ny như Kinh Thánh ghi chép. Bê-pha-giê được coi là nơi xa nhất của một hành trình trong ngày Sa-bát (900 mét) từ thành phố và là điểm xa nhất có thể mang bánh nướng trong ngày đến Đền Thờ.
Tên Bê-pha-giê trong tiếng Hebrew có nghĩa là “Nhà của cây vả chưa chín” Cũng thật kỳ lạ là ngay trong đoạn Ma-thi-ơ 21 :18-22. Tại gần làng Bê-pha-giê thì “Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.” Vì vậy nghĩa của cái tên Bê-pha-giê cũng thật ý nghĩa khi nhắc nhớ đến việc không kết quả trong đời sống mỗi người tin Chúa.
Ngày nay, tại làng này, ngay trên con đường bên cạnh con đường dốc đi xuống từ Núi Ô-liu về phía đông đến làng El-Azariyeh (Bethany cổ) và đường cao tốc Jerusalem-Jericho. Các tu sĩ của dòng Phanxico đã xây dựng một nhà thờ nhằm kỷ niệm sự khải hoàn của Chúa khi vào thành Jerusalem. Tại đây hằng năm, các tu sĩ, những người hành hương đều tổ chức chuyến đi bộ đông đảo vào Chủ nhật Lễ Lá để vào thành phố Jerusalem nhằm nhớ đến sự kiện này. Đây là một truyền thống bắt đầu từ thời Crusader và còn lại cho đến ngày hôm nay.
Như các sách Phúc âm đã ghi lại, khi Chúa Jesus dừng lại tại Bê-pha-giê. Chúa đã sai hai môn đồ đi tìm một con lừa và lừa con của nó. Kinh Thánh chép “Hai người dắt lừa con về cho Đức Chúa Jêsus, lấy áo mình trải trên nó; rồi Ngài cưỡi lên. Nhiều người trải áo mình trên đường; lại có kẻ rải nhánh cây chặt trong đồng ruộng. Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hô-sa-na! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Phước cho nước đến, là nước vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mác 11:7-10). Đây cũng là lịch sử của Chúa Nhật Lễ Lá và các chuyến đi bộ hằng năm vào ngày này tại đây.
Chúa Jesus đã vào thành cách khải hoàn như vậy thật đúng lời tiên tri của Xa-cha-ri đã nói hơn 500 năm trước: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái.” (Xa-cha-ri 9: 9)
Trên đường đến Jerusalem, Chúa Jesus cũng đã dừng lại trên đỉnh Núi Ô-liu, nhìn ra toàn cảnh của thành phố Jerusalem, Đền thờ, tháp và cung điện. “Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành..” (Lu-ca 19:41-43). Chúa khóc vì những sự đẹp đẽ đó sẽ bị hủy diệt trong thời gian đến. Tại nơi Chúa khóc, người ta cũng xây dựng một nhà thờ mang tên “Nhà thờ những giọt nước mắt” Chúa.
Ngày nay, tại nhà nguyện kỷ niệm nơi Chúa Jesus dừng chân trước khi Chúa khải hoàn vào thành phố có bức tranh tường mô tả sự kiện Chúa Jesus cỡi lừa, nhận sự chúc tôn của đám đông.
Được trưng bày trong nhà thờ và được bảo vệ bởi một tấm lưới sắt, là một tảng đá lớn hình vuông mà người ta cho rằng đây chính là tảng đá mà Chúa Jesus đã dùng để buộc con lừa Ngài cỡi. Trên các mặt của tảng đá là những bức tranh thời Trung cổ , được phục hồi vào năm 1950. Những bức tranh này mô tả các môn đồ đang dắt lừa và con lừa non; những người cầm cành cọ tung hô Chúa; sự sống lại của La-xa-rơ ở làng Bê-tha-ni gần đó ; và dòng chữ "Bethphage".
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comentarios