top of page
Tìm kiếm

BỨC TƯỜNG THAN KHÓC – CÁNH CỔNG THIÊN ĐÀNG, NƠI MÀ LỜI CẦU NGUYỆN THEO MỘT CÁCH NHANH NHẤT ĐẾN VỚI CHÚA.



 

Bức tường phía Tây được gọi là Kotel hay còn gọi là bức tường than khóc nằm tại thành phố cổ của Jerusalem là điểm nổi bật của ý thức người Do Thái trong nhiều thế kỷ. Nhiều thế hệ của người Do Thái đã mơ ước được một lần đứng trước bức tường đó để cầu nguyện. Ngày nay, không chỉ người Do Thái mà đây là nơi nhiều người được mong muốn đến. Tại kẽ hỡ giữa các tảng đá, mỗi năm người ta gỡ ra hàng tấn giấy được nhét trong đó, đây là những lời cầu nguyện của những con người ở khắp nơi trên thế giới đã nhét vào đây với ước mong được Chúa nhậm lời.

 

Khi Vua Solomon xây dựng Đền Thánh đầu tiên vào năm 826 trước Công nguyên, ông cầu nguyện để Đền Thờ trở thành trung tâm của đất nước Do Thái — một nơi mà mọi người đến để nói chuyện với Đức Chúa Trời , một nơi mà không ai cảm thấy cô đơn. Lời cầu nguyện của ông trong lễ khánh thành của Đền thờ, được chép trong I Các vua 8 đã được Chúa vui lòng, Ngài đã làm cho nơi này trở nên Thánh và là nơi đúng như lời Sa-lô-môn đã  nói “Nguyện mắt của Chúa ngày và đêm đoái-xem nhà nầy, là chỗ mà Chúa đã phán rằng: Danh ta sẽ ngự tại đó, - đặng nghe lời cầu-nguyện của tôi-tớ Chúa hướng nơi nầy mà cầu. Phàm điều gì tôi-tớ Chúa và dân Y-sơ-ra-ên của Chúa sẽ hướng về nơi nầy mà khẩn-cầu, xin Chúa hãy dủ nghe; phải, ở nơi ngự của Chúa, tại trên các từng trời, xin Chúa dủ nghe, nhậm lời, và tha-thứ cho.” I Các vua 8:29-30

 



Midrash chép rằng “Sự hiện diện của Chúa không bao giờ rời khỏi Bức tường phía Tây” vì  Bức tường nằm ở phía Tây và nơi Chí Thánh cũng nằm ở phía tây của Đền thờ. “Đây là Bức tường nằm phía Tây của Ngôi đền, không bao giờ bị phá hủy vì sự hiện diện của Chúa cũng ở phía Tây.” Người ta tin rằng ngay chỗ này là cổng Thiêng Đường vì vậy nếu cẩu nguyện tại Bức Tường thì lời cầu nguyện sẽ đến với Chúa cách nhanh nhất.

 

Bức tường mà ngày nay chúng ta gọi là Bức tường phía Tây hay bức tường than khóc, mặc dù không phải là một phần của chính Đền Thánh, nhưng bức tường là một phần của bức tường chắn Núi Đền mà Hêrôđê Đại đế đã xây dựng vào thế kỷ 1 trước Công nguyên khi ông mở rộng Núi Đền và cải tạo lại Đền Thờ thứ hai đã đổ nát.

 

Khi người La Mã phá hủy Đền thờ vào năm 69 CN thì bức tường này vẫn chưa bị phá hủy. Và gần hai nghìn năm sau, bức tường vẫn đứng vững. Trong phần có thể nhìn thấy của bức tường, có bảy lớp đá dưới cùng, bao gồm những tảng đá lớn có đường viền lõm vào, có niên đại từ việc xây dựng thời vua Hêrôđê.  Phần tiếp theo, bao gồm bốn lớp đá nhỏ hơn, phẳng hơn, có niên đại vào đúng thời kỳ Byzantine. Lớp tiếp theo được thêm vào sau cuộc chinh phục của Hồi giáo vào thế kỷ thứ bảy, và lớp trên cùng được thêm vào vào thế kỷ 19. Nhiều tảng đá dưới lòng đất của Bức tường than khóc ngày nay được các nhà khảo cổ học phát hiện có kích thước cực kỳ lớn, lớn hơn bất kỳ viên đá nào được tìm thấy trong các kim tự tháp. Một số viên đá nặng hàng trăm tấn.

 

Khu vực ngay phía trước Bức tường là một giáo đường Do Thái lớn ngoài trời, được chia thành khu nam và nữ. Ở lối vào khu vực dành cho nam giới có gian hàng  do các tình nguyện viên làm việc thường xuyên. Nếu bạn là du khách bạn sẽ được phát miễn phí mũ trùm đầu để vào nơi này. Có một phong tục lâu đời là viết những lời cầu nguyện của bạn vào một tờ giấy, và chèn nó vào một vết nứt trên tường.

 

Ngày nay tên của Bức Tường Phía Tây thường được biết đến bởi tên Bức Tường Than Khóc, tên này không được đặt bởi người Do Thái nhưng người ta đã gọi tên này khi nhìn thấy nhiều giọt nước mắt đã đổ bởi những người Do Thái cầu nguyện tại đây. Tại Bức Tường Than Khóc, người Do Thái cũng như nhiều khách hành hương khác đã đến để cầu nguyện với Chúa, họ hát ca nhảy múa dưới những bức tường. Sau khóa huấn luyện cơ bản, nhiều đơn vị chiến đấu của IDF tổ chức lễ tuyên thệ tại Bức tường phía Tây cũng như người Do Thái thường các buổi lễ trưởng thành cho con cái họ ở tại nơi đây.

 

Nếu một lần nào đó bạn đến đây, đứng dưới bức tường này để cầu nguyện thì bạn sẽ thấy được sự hiện diện của Chúa đầy dẫy trên bạn. Nơi này như là trái tim của dân tộc Do Thái, nơi này cũng như sự ôm ấp của Chúa dành cho những tấm lòng khao khát tìm cầu Ngài. Hãy một lần đến đó để cảm nhận…

 

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.

 

Comments


bottom of page