top of page
Tìm kiếm

Cuộc sống của người Do Thái



Đối với người Do Thái thì mỗi hoạt động trong ngày, trong tuần và trong các giai đoạn trong cuộc đời của họ đều có mục đích hay ý nghĩa riêng. Mục đích hay ý nghĩa đó được hướng dẫn bởi các giáo lý thực tế của Do Thái Giáo, những hướng dẫn này được gọi là “HALACHAH” có nghĩa là “luật Do Thái” hay “cách cư xử” hay là “con đường”. Theo đó, cách người Do Thái kinh doanh, cách người Do Thái ăn uống, cách lập gia đình, cách nghĩ ngơi, cách người Do Thái đứng hay ngồi, tất cả đều có mục đích của nó.


Dưới đây là một số điều mà người Do Thái thường làm trong cuộc sống, họ thực hành và lưu giữ những điều này cho cả thế hệ tương lai. Tuy nhiên, nếu một người Do Thái họ không làm một điều gì trong số này thì họ vẫn là con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp và là thành viên của một dân tộc có giao ước với Chúa.


1. GIÁO DỤC

Người Do Thái là những người đầu tiên thiết lập sự giáo dục chung bắt buộc với mỗi người, với mỗi người Do Thái thì họ yêu cầu phải dạy dỗ con cái họ sự dạy dỗ đầy đủ về Kinh Thánh cũng như cách để họ kinh doanh. Người lớn cần phải học Kinh Thánh Torah mỗi ngày và ít nhất cần phải học một cái gì đó vào mỗi buổi sáng và tối.


2. TỪ THIỆN

Đối với một người Do Thái, từ thiện không chỉ là một việc tốt để làm nhưng nó là một nghĩa vụ thuộc về phạm trù đạo đức. Người Do Thái thường đóng góp ÍT NHẤT là 10% thu nhập của họ cho các hoạt động từ thiện. Khi trao các phần từ thiện cho những người khó khăn thì người Do Thái được hướng dẫn là cần phải cẩn thận để giữ gìn phẩm giá của những người được cho. Đối với người Do Thái thì cách thức từ thiện cao nhất đó chính là cung cấp cho người ta phương tiện để họ tự kiếm sống.


3. ĂN UỐNG CỦA NGƯỜI DO THÁI

Người Do Thái có cách ăn uống theo đúng những gì Kinh Thánh dạy dỗ, có một số loại được ăn và một số loại bị cấm ăn. Ngay cả cách để giết mổ phải theo những quy định về nhân đạo, tiêu chuẩn sạch hay không sạch. Đối với những loài vật được ăn, Kinh Thánh cũng quy định cho họ những phần được ăn và những phần không được ăn. Tất cả các thực phẩm chế biến đều phải tuân thủ và được giám sát. Các tiêu chuẩn này được gọi chung là Kosher.


4. CHÍNH TRỰC TRONG KINH DOANH

Đối với người Do Thái nếu làm việc chăm chỉ, hay làm bất kỳ công việc, nghành nghề nào khác mà mang lại lợi ích cho xã hội đều được coi trọng. Những hành động lừa lọc trong tiền bạc hay mua bán đều bị nghiêm cấm. Người Do Thái rất coi trọng uy tín hay giữ lời trong công việc làm ăn. Người chủ coi trọng phẩm giá của nhân viên và luôn đối xử công bằng với họ.


5. NGÀY NGHỈ ( SABBAT) VÀ CÁC NGÀY LỄ

Vào ngày sabbat thì từ lúc mặt trời lặn vào thứ sáu đến mặt trời lặn vào thứ bảy thì người Do Thái sẽ không làm việc. Họ sẽ không đốt lửa, bật đèn,… ngoại trừ những trường hợp đe doạ đến tính mạng của họ. Đây là thời gian dành cho gia đình và cộng đồng. Ngày sabbat cũng là ngày dành cho sự cầu nguyện, học tập và nghỉ ngơi. Ngày Shabbat là một lời nhắc nhở cho họ là những người tự do và thế giới là sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, người Do Thái còn có các ngày lễ khác bị cấm làm việc như: Rosh Hashanah, Yom Kippur, Sukkot, Lễ Vượt Qua, Shavuot, Chanukah, Purim, Tisha B'Av.


6. LỄ CẮT BÌ

Tất cả các bé trai Do Thái đều được cắt bao quy đầu tám ngày sau khi sinh, nếu sức khỏe cho phép. Đây được gọi là giao ước của Chúa đối với Áp-ra-ham khi chọn dân Do Thái làm dân thuộc về Chúa. Người ta thường tổ chức lễ kỷ niệm nhân dịp này.


7. BAR & BAT MITZVAH ( LỄ TRƯỞNG THÀNH CHO NAM VÀ NỮ)

Ở tuổi 12, một cô gái Do Thái phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, gia đình sẽ tổ chức một lễ kỷ niệm mang tên là Bat Mitzvah ( Lễ trưởng thành cho cô gái ). Đối với bé trai thì Bar Mitzvah sẽ được tổ chức khi bé trai được 13 tuổi, vào thời điểm đó cậu bé sẽ chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm.


8. TEFILLIN

Đàn ông Do Thái trong các buổi cầu nguyện sáng, họ thường đeo hộp có chứa lời Chúa trên đầu và quấn dây màu đen trên tay vào mỗi ngày trong tuần (trừ ngày Shabbat và lễ hội khác). Tất cả những điều đó được gọi là tefillin. Trong hộp tefillin trên đầu chứa các cuộn giấy viết tay với lời Kinh Thánh nhắc lại sự giải phóng của dân Do Thái khỏi Ai Cập và tuyên bố chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời của dân tộc họ.


9. CẦU NGUYỆN

Người Do Thái thường ba lần trong một ngày hướng về Giê-ru-sa-lem để cầu nguyện. Những lời cầu nguyện này phần lớn từ Thi thiên của Vua Đa-vít. Họ cảm ơn Đức Chúa Trời vì sự tốt lành của Ngài, cầu xin cho các nhu cầu cá nhân của họ. Người Do Thái cầu nguyện cho sự trở lại của tất cả người Do Thái về với đất Israel, quay lại Kinh Thánh Torah và cầu nguyện cho hòa bình. Ngoài ra, trước và sau khi ăn bất kỳ món ăn nào, người Do Thái đều có lời chúc phước cho thức ăn và cảm ơn Chúa vì Chúa đã ban cho vật thực. Người Do Thái cũng có những lời cầu nguyện chúc phước khi ngửi thấy mùi thơm, khi nhìn thấy cầu vồng, nhìn thấy phong cảnh tráng lệ, nghe thấy sấm sét, khi nhìn thấy một người khôn ngoan. Họ cảm ơn Chúa trong mọi sự.


10. KẾT HÔN

Hôn nhân là mối quan hệ thiêng liêng nhất trong các mối quan hệ thiêng liêng giữa linh hồn nam và nữ, có giá trị như nhau nếu một trong hai người sinh ra là người Do Thái hoặc đã cải sang đạo Do Thái theo halachah (luật Do Thái).


Hôn nhân được coi là một định chế thiêng liêng, là sự gắn kết của hai tâm hồn trong sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Nuôi dạy một gia đình cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng, và con cái được coi trọng sâu sắc.


11. CHUYỂN THEO ĐẠO DO THÁI

Một người ngoại có thể gia nhập Dân Do Thái nếu họ tuân thủ theo halachah (luật Do Thái). Người nào muốn chuyển sang đạo Do Thái thì phải chấp nhận mọi luật lệ mà người Do Thái bắt buộc phải tuân giữ. Việc này được thực hiện trước một tòa án gồm những quan chức Do Thái theo luật, người ngoại có thể trở thành người Do Thái khi đủ điều kiện và được phép. Người cải đạo nếu là nam giới thì bắt buộc phải cắt bao quy đầu. Một người cải đạo được coi là người Do Thái và được xem như là hậu duệ của Áp-ra-ham. Họ có thể kết hôn với người sinh ra là đã là người Do Thái.


Người Do Thái không tìm cách cải đạo người khác, và thậm chí sẽ không khuyến khích những người tỏ ra muốn cải đạo. Người Do Thái tin rằng mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng trong cuộc đời và không nhất thiết phải là người Do Thái để thực hiện mục đích mà Đức Chúa Trời đã giao cho bạn.


12. MAI TÁNG

Người Do Thái tin rằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống mỗi người là một món quà từ Đức Chúa Trời vì vậy euthanasia (cái chết chủ ý để giảm bớt sự đau khổ) là bị cấm. Đối với người Do Thái, thân thể được Chúa tạo dựng vì vậy thân thể được coi là thiêng liêng, vì nó chứa một linh hồn là hơi thở của Đức Chúa Trời. Bởi điều đó mà người Do Thái cho rằng người chết phải được chôn cất một cách tôn trọng. Họ cấm việc xúc phạm đến thân thể của người chết và không được hoả thiêu nguời chết dưới mọi hình thức. Người Do Thái tin rằng người chết sẽ sống lại trong tương lai, khi cái ác và cái chết sẽ biến mất và tất cả những gì tốt đẹp sẽ tồn tại mãi mãi.


13. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHÔNG PHẢI DO THÁI

Những điều thực hành phía trên là dành riêng cho dân tộc Do Thái, như là một phần của giao ước của họ với Đức Chúa Trời. Với những điều như tính chính trực, giáo dục và cầu nguyện, là điều phổ quát dành cho mọi người.


Đức Chúa Trời đã tạo ra một thế giới rất đa dạng và Ngài yêu thích tất cả sự sáng tạo của Ngài. Chính Chúa đã cung cấp các quy tắc cơ bản cho toàn nhân loại (Tìm hiểu thêm về Bảy Luật Noahide tại đây). Thông qua việc tuân thủ các quy tắc này trong các nền văn hóa theo cách riêng của mình, tất cả chúng ta có thể tự hào về gia đình, dân tộc và văn hóa của mình, đồng thời sống hòa thuận với những người khác biệt với chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tận hưởng thế giới như là một bản giao hưởng tuyệt vời.


Theo học trang học tập Do Thái.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam




Comments


bottom of page