MÊ-TU-SÊ-LA, BÀY TỎ LÒNG THƯƠNG XÓT, NHÂN TỪ VÀ NHỊN NHỤC CỦA CHÚA TRƯỚC TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY
Kinh thánh không chỉ đơn giản là 66 cuốn sách do 40 tác giả viết trong hàng nghìn năm, Kinh thánh là hệ thống những thông điệp mà Chúa muốn ban cho con cái loài người. Kinh Thánh thống nhất trong từng chi tiết nhỏ nhất, từng từ từng từ….
Các Rabi Do Thái thường cho rằng: họ sẽ không hiểu Kinh thánh cho đến khi Đấng Mê-si đến. Nhưng Đấng Mê-si đã đến thì họ lại không hiểu những điều mà Kinh Thánh đã nói về Ngài. Chúa Jesus đến, Ngài không chỉ soi dẫn từng đoạn cho chúng ta, Ngài sẽ bày tỏ lẽ thật từ chính những lời đó.
Chúa Jesus đã nói trong Ma-thi-ơ 5:17-18 “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.”
Một trong những điều mà người mới đọc thấy trong Kinh Thánh đó là những cái tên tưởng chừng là vô vị và chúng ta có xu hướng đọc nhanh cho qua những cái tên đó. Người Do Thái tin rằng mỗi một CÁI TÊN đều có năng lượng thần thánh trong đó, TÊN NGƯỜI chính là con kênh mà qua đó năng lượng của linh hồn đạt đến cơ thể. Người Do Thái cũng nói rằng, các bậc cha mẹ sẽ nhận được một sự soi dẫn thiêng liêng khi họ đặt tên cho con của mình vì vậy CÁI TÊN cũng là một lời định hướng, lời tiên tri cho những người mang tên đó.
LỜI BÁO TRƯỚC VỀ CƠN ĐẠI ĐỒNG THỦY.
Nếu chúng ta xem trong Kinh Thánh thì người sống thọ nhất Kinh Thánh được ghi chép lại đó chính là Mê-tu-sê-la, ông sống đến 969 tuổi (Sáng thế ký 5:27 )
Trong cái tên Mê-tu-sê-la thì từ “mê-tu” xuất từ từ “muth” mà gốc của nó có nghĩa là "cái chết"; và “Sê-la” xuất phát từ từ “shalach” , có nghĩa là "mang theo", hoặc "gửi đi". Vì vậy cái tên Mê-tu-sê-la (Methuselah) thì có nghĩa là “cái chết của anh ấy sẽ mang lại…”.
Cha của Mê-tu-sê-la được cho là đã nhận được một lời tiên tri về trận Đại hồng thủy sắp tới, và dường như được cho biết rằng chừng nào con trai ông còn sống, thì sự phán xét về trận lụt sẽ được giữ lại; nhưng ngay sau khi anh ta chết, lũ lụt sẽ được đưa đến hoặc gửi đi.
Trên thực tế, cha của Mê-tu-sê-la là Hê-nóc, cũng chính là nhà tiên tri sớm nhất mà Kinh Thánh được ghi lại mà còn là người đầu tiên đồng đi với Chúa và không biết đến sự chết. Cha của Mê-tu-sê-la đã nói tiên tri về sự tái lâm của Chúa trong Giu-đe 14-15 “Ấy cũng vì họ mà Hê-nóc, là tổ bảy đời kể từ A-đam, đã nói tiên tri rằng: Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài.” Vì vậy không ngạc nhiên khi ông đặt tên cho con mình như là lời tiên tri cho những gì sẽ xảy đến.
Trong Sáng thế ký cho biết Mê-tu-sê-la là 187 tuổi khi ông sinh Lê-méc, và sống thêm 782 tuổi. Lê-méc sinh Nô-ê khi ông 182 tuổi (Sáng thế ký 5: 25–28). Trận Đại Hồng Thủy xảy ra vào năm thứ 600 đời Nô-ê (Sáng thế ký 7: 6, 11). 600 + 182 = 782. Nếu lấy 782 cộng thêm 187 (tuổi khi ông sinh Lê-méc) thì ông được 969 tuổi (Sáng thế ký 5:27 ). Năm Mê-tu-sê-la chết, đúng như Kinh Thánh ghi chép, quả thật như vậy, trận Đại Hồng Thủy ập đến.
Cái tên của Mê-tu-sê-la, báo trước điều xảy đến, Chúa đã cho ông sống một thời gian thật dài để cho mọi người có cơ hội ăn năn. I Phi-e-rơ 3: 19-20 chép “Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, về thời kỳ Nô-ê, khi ĐỨC CHÚA TRỜI NHỊN NHỤC CHỜ ĐỢI, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.”
Thật thú vị khi cuộc đời của Mê-tu-sê-la, trên thực tế là biểu tượng của lòng thương xót, nhân từ và nhịn nhục của Đức Chúa Trời trong việc ngăn chặn sự phán xét sắp tới của trận lụt. Vì vậy, thật phù hợp khi mà cuộc đời của ông là một người sống lâu nhất trong Kinh thánh (gần 1000 năm), để nói về sự rộng rãi của lòng thương xót của Đức Chúa Trời.
CÁC “PHÚC ÂM” TỪ TRONG SÁNG THẾ KÝ VÀ PHÚC ÂM ĐẾN TỪ CÁC CÁI TÊN TRONG GIA PHẢ.
Sách Sáng thế ký kể câu chuyện về sự sáng tạo của Chúa, Chúa tạo nên loài người vào ngày thứ sáu và “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm THẬT RẤT TỐT LÀNH” (Sáng thế ký 1:36). Vậy nên chúng ta có mặt trên trái đất này là THẬT RẤT TỐT LÀNH. Khi A-đam phạm tội, thấy mình “lõa lồ” thì “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.” (Sáng thế ký 3:21) và “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế.” (Khải huyền 13:8) chính là hình ảnh của Phúc Âm, là lời tiên tri đầu tiên cho sự chết của con Ngài là Jesus để đem sự tha thứ đến với con người và huyết Chúa Jesus che phủ tội lỗi của con người.
Phúc âm trong sách Sáng thế ký không chỉ dừng ở đó, khi A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen vì phạm tội, A-đam sinh hai người con là Ca-in và A-bên. Ca-in bởi lòng ganh tị giết em của mình là A-bên. Kinh Thánh cho biết sau đó Chúa đã ban cho A-đam một người con trai đặt tên là Sết ( Sáng thế ký 4:25). “Sau khi A-đam sanh Sết rồi, còn sống được tám trăm năm, sanh con trai con gái.” (Sáng thế ký 5:24); Kinh Thánh không ghi A-đam sanh thêm bao nhiêu người con nhưng Kinh Thánh có ghi chép lại hai dòng dõi, một của Ca-in và một là của Sết.
Người Do Thái tin rằng, cha mẹ được Chúa soi dẫn để đặt tên cho con mình, thường đó là “lời tiên tri” cho tương lai của nó hay “tương lai” cho điều gì đó. Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 1:4 cho biết sự cứu chuộc đã có “từ TRƯỚC KHI SÁNG THẾ” trong câu “TRƯỚC KHI SÁNG THẾ, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ”. Vì vậy, một điều thật thú vị khi chúng ta tìm hiểu về các cái tên liên tục trong dòng dõi từ A-đam cho đến Nô-ê.
Gia phả của A-đam được chia ra làm hai nhánh:
1. DÒNG DÕI A-ĐAM QUA CA IN.
Ca-in sanh Hê-nóc; Hê-nóc Y-rát; Y-rát sanh Mê-hu-da-ên; Mê-hu-da-ên sanh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sanh Lê-méc. Lê-méc cưới hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la. A-đa sanh Gia-banh; Gia-banh và Giu-banh. Vợ thứ hai là Si-la sanh Tu-banh-Ca-in cùng con gái là Na-a-ma. (Sáng thế ký 4)
2. DÒNG DÕI A-ĐAM QUA SẾT
A-đam sanh Sết; Sết sanh Ê-nót; Ê-nót sanh Kê-nan; Kê-nan sanh Ma-ha-la-le; Ma-ha-la-le sanh Giê-rệt; Giê-rệt sanh Hê-nóc; Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la; Mê-tu-sê-la sanh Lê-méc; Lê-méc sanh Nô-ê. ( Sáng thế ký 5).
Đây là dòng dõi liên tục từ A-đam cho đến Nô-ê, và vào năm thứ 600 trong đời Nô-ê, Đại Hồng Thủy đã xảy ra và chỉ một mình gia đình Nô-ê sống sót.
PHÚC ÂM QUA GIA PHẢ.
Vì Ca-in giết em mình nên bị Chúa đã đuổi Ca-in lưu lạc trên đất, Sáng thế ký 5:1 chép “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam….” Điều này có nghĩa dòng dõi loài người từ A-đam được tính từ dòng dõi của Sết không bởi Ca-in dù Ca-in là con đầu của A-đam.
“Phúc âm” hay Tin Lành trong Sáng thế ký một lần nữa được tìm thấy bởi ý nghĩa của những cái tên trong cây phả hệ từ đời A-đam cho đến thời Nô-ê.
A-ĐAM : có nghĩa là “người đàn ông” hay là “con người”.
SẾT : có nghĩa là “được bổ nhiệm, chỉ định, thay thế” như trong Sáng thế ký 4:25 “A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết; vì vợ rằng: Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi.”
Ê-NÓC: Tên này có nghĩa là “sự chết, người yếu ớt, hoặc đau khổ”. Nó là từ gốc từ “anash” có nghĩa là “không thể chữa được”, được sử dụng để chỉ vết thương, đau buồn, đau khổ, bệnh tật, hoặc sự gian ác và sự chết.
Kinh Thánh chép “Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.” (Sáng thế ký 5:26), các học giả Do Thái tin rằng, cũng vào thời Ê-nóc thì loài người bắt đầu làm ô uế danh của Đức Chúa Trời Hằng Sống.
KÊ-NAN: Tên này có nghĩa là “buồn bã, khó chịu, buồn thảm, nỗi buồn”.
MA-HA-LA-LE (Mahalalel): Tên này ghép từ từ “mahalal” có nghĩa là ban phước hay khen ngợi; và “El” , tên của Chúa. Do đó, Mahalalel có nghĩa là “Đức Chúa Trời ban phước”.
GIÊ-RỆT : tên này từ động từ “yaradh” , có nghĩa là “sẽ xuống”.
HÊ-NÓC: có nghĩa là “sự dạy dỗ, hoặc bắt đầu”, có thể nói rằng Hê-nóc chính là “truyền đạo” đầu tiên trong số những người “giảng đạo” đầu tiên mà Kinh Thánh có ghi lại .
Trên thực tế, thì lời tiên tri sớm nhất trong Kinh Thánh được ghi lại là của Hê-nóc, lời tiên tri đáng kinh ngạc về Sự tái lâm của Đấng Christ (mặc dù nó được trích dẫn trong Tân Ước)
“Ấy cũng vì họ mà Hê-nóc, là tổ bảy đời kể từ A-đam, đã nói tiên tri rằng: Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài.”(Giu-đe 14–15).
MÊ-TU-SÊ-LA : Tên của ông có nghĩa là “cái chết của anh ấy sẽ mang lại…”. Rõ ràng, Hê-nóc đã nhận được lời tiên tri về trận Đại hồng thủy, và được cho biết rằng chừng nào con trai ông còn sống, thì sự phán xét về trận lụt sẽ được giữ lại. Năm mà Mê-tu-sê-la chết, trận Đại Hồng Thủy ập đến.
Kinh Thánh cho biết “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” (Sáng thế ký 5:24); Hê-nóc đã không chết, Mê-tu-sê-la là người nhiều tuổi nhất trong Kinh thánh, nhưng ông đã chết trước cha mình!
LÊ-MÉC: Tên này có gốc rễ vẫn còn rõ ràng cho đến ngày nay là “than thở” hay có nghĩa là “tuyệt vọng”. Lê-méc cũng có nghĩa “tuyệt vọng”. (liên quan đến Lê-méc trong dòng dõi của Cain, Tamud của người Do Thái cho rằng Le-méc đã vô tình giết chết con trai mình là Tubal-Cain trong một vụ đi săn.)
NÔ-Ê : tên của Nô-ê có nguồn gốc từ từ “nacham” có nghĩa là “an nghỉ hay mang lại sự nhẹ nhõm và thoải mái” như trong Sáng thế ký 5:29 “Đứa nầy sẽ an ủi lòng ta về công việc và về sự nhọc nhằn mà đất bắt tay ta phải làm,”
Khi chúng ta ghép hết các tên trong gia phả: A-đam; Sết; Ê-nót; Kê-nan; Ma-ha-la-le; Giê-rệt; Hê-nóc; Mê-tu-sê-la; Lê-méc; Nô-ê thì chúng ta sẽ có một lời tiên tri hay một lần nữa PHÚC ÂM qua gia phả có từ sáng thế ký như sau :
“CON NGƯỜI (được) CHỈ ĐỊNH (cho) SỰ CHẾT và BUỒN THẢM; (nhưng) ĐỨC CHÚA TRỜI PHƯỚC HẠNH (Mê-si;Jesus) đã (sẽ) XUỐNG (để ) DẠY DỖ (rằng) SỰ CHẾT CỦA NGÀI MANG LẠI ( cho loài người ) ĐANG TUYỆT VỌNG (bước vào) SỰ YÊN NGHỈ”
Đây rõ ràng là Phúc Âm hay Tin Lành phả hệ mà chúng ta biết ngày nay.
Thật vậy “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” (Rô-ma 3:23) và “..tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23) nhưng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16 ).
Nguyện điều này sẽ trở thành phước hạnh cho tất cả những ai nghe đến.
Biên tập bởi Mục vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Comments