top of page
Tìm kiếm

CÂU CHUYỆN CỦA HU-RƠ – NGƯỜI NÂNG TAY MÔI-SE



 

Trong hành trình từ Ai-cập vào Đất Thánh, Chúa đã dạy dỗ và dùng nhiều nhân vật như Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am, Giô-suê, Ca-lép… để giúp đỡ cho dân sự Chúa. Có một người được nhắc đến không nhiều, người ta chỉ biết đến ông qua trận chiến với dân A-ma-léc. Nhân vật đó chính là HU-RƠ, NGƯỜI NÂNG TAY MÔI-SE. Trong truyền thống của Do Thái thì câu chuyện về Hu-ru là một câu chuyện bắt đầu như là một vị anh hùng, gặp phải những bi kịch và sau đó là sự cứu chuộc. 

 

Truyền thống của Do Thái Giáo cho rằng, chị gái của Môi-se là Mi-ri-am đã kết hôn với Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê , một trong mười hai thám tử cùng với Giô-suê được vào đất thánh. Mi-ri-am và Ca-lép có với nhau một người con trai tên là Hu-rơ ( trích trong Tamud; Sanhedrin 69B & Sotah 11b). Hu-rơ lần đầu được nhắc trong trận chiến với dân A-ma-léc trong đồng vắng được chép trong Xuất 17:8-16 “ … Môi-se bèn nói cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma-léc…. Giô-suê bèn làm y như lời Môi-se nói, để cự chiến dân A-ma-léc; còn Môi-se, A-rôn và HU-RƠ lên trên đầu nổng. Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn. Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người.” Từ đó ông được nhắc đến như là NGƯỜI NÂNG TAY CỦA MÔI-SE.

 

Lần tiếp theo Kinh Thánh nhắc đến Hu-rơ là khi Môi-se lên núi Si-nai 40 ngày để gặp Đức Chúa Trời. Ông là một trong hai người Môi-se tin tưởng để giao quản lý dân sự ở dưới chân núi. Xuất ê-díp-tô ký 24:14 chép “Người bèn nói cùng các trưởng lão rằng: Hãy đợi chúng tôi tại đây cho đến chừng nào trở về cùng các ngươi. Nầy, A-rôn và Hu-rơ ở lại cùng các ngươi, ai có việc chi hãy hỏi hai người đó.”

 

Vào thời điểm quan trọng nhất của người Do Thai trong sa mạc, Hu-rơ đã ở đó cùng với người chú A-rôn của mình. Trong Xuất ê-díp-tô-ký 32 khi “Dân sự thấy Môi-se ở trên núi chậm xuống, bèn nhóm lại chung quanh A-rôn mà nói rằng: Nào! Hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi,..” Theo Midrash của người Do Thái thì khi dân Do Thái tập trung quanh A-rôn để đòi hỏi phải dựng thần tượng thì Hu-rơ đã đứng ra chống lại họ và nói với họ “Các ngươi há không nhớ những gì Đức Chúa Trời đã làm cho các ngươi sao?” Ngay lập tức, người Do Thái đã nổi lên chống lại Hu-rơ và  đã giết anh ta. Sáu tuần trước đó người Do Thái đã được Chúa ban cho 10 điều răn và các luật lệ. Ngày hôm đó tại chân núi Si nai họ đã phạm đến ba điều cấm trong mười điều răn đó, thờ thần tượng, ngoại tình và giết người.

 

Hu-rơ người vừa giúp cứu người Do Thái khỏi kẻ thù khủng khiếp vài tuần trước, và giờ đã bị sát hại vì đứng lên bảo vệ danh dự cho Đức Chúa Trời và Môi-se. Một kết cục tưởng chừng như là môt bi kịch. Nhưng, có phần tiếp theo của câu chuyện về Hu-rơ khi Kinh Thánh cho chúng ta biết, đến thời điểm xây dựng Đền Tạm. Đức Chúa Trời đã bảo Môi se chỉ định một kiến trúc sư cho Đền Tạm, một nơi ở của Chúa đầu tiên trên đất. Xuất 35:30-35 chép “ Môi-se nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy Đức Giê-hô-va đã kêu danh Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, trong chi phái Giu-đa. Ngài phú cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết, để làm mọi thứ nghề thợ,….Ngài lại phú cho người tài dạy dỗ, và cũng đồng ban cho Ô-hô-li-áp, con của A-hi-sa mạc, trong chi phái Đan nữa; Ngài phú cho hai người đó đầy sự khôn ngoan đặng làm các công nghệ về thợ thêu, thợ dệt nhiều màu, …… làm các thứ công nghệ khéo..”

 

Vinh dự xây dựng nhà Chúa đã được trao cho Bết-sa-lê-ên, cháu trai của Hu-rơ, người đã đứng ra để tôn vinh Chúa. Tên Hu-rơ trong tiếng Do Thái có chung từ gốc với “Chorin” có nghĩa là tự do. Qua Đền Tạm người Do Thái đã được “tự do” khỏi vết nhơ về “tượng con bò vàng”. Xây dựng nhà Chúa là việc họ sửa chữa hành vi tội lỗi vì đã loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống họ. Nói cách khác, cháu trai của Hu-rơ, đã giúp cho người Do Thái sự tự do khỏi tội lỗi của họ , bao gồm cả việc giết ông nội của anh ta .

 

Hu-rơ, một người yêu dân tộc Do Thái và là người bảo vệ đức tin, hẳn phải vô cùng tự hào về người cháu trai của mình. Vì vậy, câu chuyện của Hu-rơ kết thúc không phải là bi kịch, mà là sự tha thứ và cứu chuộc.

 

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam

 

 

Comments


bottom of page