Đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo, thì Núi Đền tại Jerusalem là tâm điểm của căng thẳng giữa các tôn giáo trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi có nhiều ý nghĩa với nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
Núi Đền chính là quảng trường trên cao phía trên Bức tường phía Tây ở Jerusalem, là địa điểm của hai Đền Thờ thứ nhất và Đền thờ thứ hai của Do Thái giáo. Vị trí này là nơi linh thiêng nhất của Do Thái Giáo nhưng cũng là nơi linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo (sau Mecca và Medina), đây chính là tâm điểm của căng thẳng giữa các tôn giáo trong nhiều thập kỷ.
Hiện tại, địa điểm này thuộc chủ quyền của Israel nhưng được quản lý bởi tổ chức Waqf Hồi giáo. Người Do Thái và những người không theo đạo Hồi khác được phép đến thăm, nhưng việc cầu nguyện của người Do Thái bị cấm ở đó. Đây cũng là điều khoản bị tranh cãi từ lâu bởi một số ít người Do Thái Israel phản đối sự kiểm soát của người Hồi giáo đối với địa điểm này. Chính vì vậy, bạo lực đã bùng phát tại địa điểm này trong nhiều trường hợp và các lực lượng Israel đôi khi hạn chế tiếp cận người Hồi giáo vào những thời điểm căng thẳng gia tăng.
TẠI SAO NÚI ĐỀN LÀ THÁNH ĐỐI VỚI DO THÁI GIÁO?
Núi Đền, được biết đến trong tiếng Do Thái là Har Habayit (Núi [sân sau] của Thiên Chúa), theo truyền thống thì nơi này là nơi mà Abraham đã thể hiện lòng tin kính của mình đối với Chúa bằng cách dâng con trai của mình là Issac làm của tế lễ. Núi Đền cũng là địa điểm của cả hai ngôi đền Do Thái cổ đại, Đền Thờ thứ nhất do Vua Solomon xây và bị phá hủy bởi người Babylon vào năm 586 TCN. Đền thờ thứ hai được xây dựng vào thế kỷ thứ sáu TCN cũng trên địa điểm này, tồn tại gần 600 năm trước khi nó bị phá hủy và người Do Thái lưu vong vào năm 70 TCN bởi Đế chế La Mã. Cho đến ngày nay, người Do Thái vẫn than khóc cho những ngôi đền bị phá hủy này vào ngày cuối của Tisha B'Av. Theo truyền thống, thì người Do Thái tin rằng một ngôi đền thứ ba sẽ được xây dựng trên địa điểm này vào thời gian đến trong thời kỳ thiên sai.
TẠI SAO NÚI ĐỀN LINH THIÊNG ĐỐI VỚI NGƯỜI HỒI GIÁO?
Núi Đền được người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif có nghĩa là Thánh địa cao quý và theo truyền thống Hồi giáo thì đây là nơi Muhammad lên trời vào thế kỷ thứ bảy. Ngày nay, ngọn núi là nơi có Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi. Nhà thờ mái vòm Dome of the Rock dát vàng cũng chính là một trong những nơi mang tính biểu tượng được công nhận nhiều nhất của Jerusalem.
NGƯỜI DO THÁI ĐƯỢC PHÉP ĐẾN THĂM NÚI ĐỀN HAY KHÔNG?
Theo “luật của Do Thái Giáo” thì Do Thái Giáo cấm người Do Thái bước vào nơi này. Đây là truyền thống Do Thái Giáo cấm chứ không phải luật Israel hay người Hồi Giáo quản lý nơi này cấm người Do Thái. Người Do Thái cho rằng địa điểm này có NƠI CHÍ THÁNH (Holy of Holies). Truyền thống của người Do Thái coi việc vào Nơi Chí Thánh (Holy of Holies), nơi tôn nghiêm nhất, trong cùng của ngôi đền, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa bị nghiêm cấm. Bởi vậy, người Do Thái không dám vào Núi Đền vì sợ giẫm phải phần đất thiêng. (Vị trí chính xác của Holy of Holies NƠI CHÍ THÁNH nằm đâu đó tại khu vực này nhưng chưa được biết.) Bức tường phía Tây, bức tường than khóc là bức tường gần nhất với Núi Đền, người Do Thái thường cầu nguyện tại đây. Tuy nhiên, ngày nay những người Do Thái khác, không “truyền thống” vẫn đến thăm Núi Đền thường xuyên.
AI KIỂM SOÁT NÚI ĐỀN?
Kể từ khi các lực lượng Israel giành lại quyền kiểm soát Thành cổ Jerusalem trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967. Israel đã mở rộng chủ quyền của mình đối với khu vực này, mặc dù hầu hết thế giới đều coi thẩm quyền của Israel ở toàn bộ phía đông Jerusalem là bất hợp pháp. Quyền hạn “quản lý” hàng ngày đối với địa điểm này thuộc về Tổ chức Hồi Giáo Waqf Jerusalem. Waqf là một quỹ từ thiện được luật Hồi giáo công nhận. Jordan, quốc gia đã kiểm soát phía đông Jerusalem và các thánh địa Hồi giáo trước năm 1967, tiếp tục thực hiện quyền giám hộ đặc biệt đối với Núi Đền. Năm 1994, một thỏa thuận được hệ thống hóa trong hiệp ước hòa bình Israel-Jordan, theo đó Israel “tôn trọng vai trò đặc biệt hiện tại của Vương quốc Hashemite của Jordan trong các đền thờ Thánh của người Hồi giáo ở Jerusalem.” An ninh tổng thể cho địa điểm, bao gồm cả việc ra vào của du khách và những người thờ phượng, thuộc về lực lượng an ninh Israel.
CHÍNH SÁCH CỦA ISRAEL TRONG VIỆC TIẾP CẬN NÚI ĐỀN NHƯ THẾ NÀO?
Núi Đền có thể được truy cập bởi bất cứ ai, nhưng quyền vào nhà thờ mái vòm Dome of the Rock bị hạn chế bởi người Hồi giáo. Mặc dù có nhiều cổng để vào địa điểm này, nhưng những người không theo đạo Hồi phải vào qua Cổng Mughrabi, nằm gần quảng trường Bức tường phía Tây. An ninh Israel kiểm soát các điểm ra vào. Vào những thời điểm căng thẳng gia tăng, Israel thỉnh thoảng đóng cửa địa điểm này đối với du khách, bao gồm cả những người sùng đạo Hồi giáo.
TẠI SAO ĐỊA ĐIỂM NÀY LẠI LÀ ĐIỂM BÙNG PHÁT CỦA BẠO LỰC?
Sự nhạy cảm về tôn giáo xung quanh Núi Đền đã nhiều lần khiến địa điểm này trở thành điểm nóng cho bạo lực và bất ổn. Người Palestine từ lâu đã nghi ngờ rằng Israel có ý định thay đổi hiện trạng đã được thiết lập cho địa điểm này sau cuộc chiến năm 1967. Một số các nhà lãnh đạo Palestine thậm chí đã tuyên bố rằng các ngôi đền Do Thái không bao giờ từng đứng ở đó.
Vào năm 2015, tin đồn rằng Israel đang chuẩn bị áp đặt một sự thay đổi tại địa điểm này được cho là một yếu tố góp phần vào cái gọi là "cuộc tấn công bằng dao đâm", trong đó một số vụ tấn công bằng dao đã được thực hiện nhằm vào dân thường Israel ở Jerusalem và các nơi khác ở Quốc gia. Vào tháng 9 năm 2015, Chủ tịch chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cho biết trên truyền hình Palestine rằng người Israel sẽ không được phép “làm ô uế” Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa bằng “đôi chân bẩn thỉu” của họ.
Israel đã dứt khoát phủ nhận rằng họ muốn thay đổi các thỏa thuận hiện tại tại địa điểm này; tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Israel đã có những biểu hiện mang tính biểu tượng về việc khẳng định chủ quyền của Israel ở đó và đã có những âm mưu của các nhóm cực đoan Do Thái nhằm làm nổ tung Dome of the Rock.
Vào tháng 9 năm 2000, lãnh đạo phe đối lập khi đó là Ariel Sharon đã tiến hành một chuyến thăm đến địa điểm dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt, làm bùng lên các cuộc bạo động. Căng thẳng thường xuyên tăng cao trong ngày lễ Yom Yerushalayim (Ngày Jerusalem), ngày người Do Thái kỷ niệm sự tái chiếm Bức tường phía Tây năm 1967 và trong kỳ nghỉ lễ Ramadan của người Hồi giáo.
TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI DO THÁI ISRAEL LẠI THÚC ĐẨY QUYỀN TIẾP CẬN NHIỀU HƠN VỚI ĐỊA ĐIỂM NÀY?
Những nỗ lực nhằm đảm bảo quyền cầu nguyện của người Do Thái tại Núi Đền đã đạt được sức hút trong những năm gần đây, bất chấp quan điểm của giáo sĩ Do Thái chính thống rằng người Do Thái không nên đặt chân đến đó. Một số giáo sĩ Do Thái đã ban hành các quy định trái ngược và nói rằng nên cho phép thăm viếng và cầu nguyện vì vậy theo một số ước tính, số lượng du khách Do Thái đã tăng lên đáng kể.
KINH THÁNH NÓI THẾ NÀO VỀ KẾT CỤC CỦA NÓ?
Có lẽ cho đến kỳ cuối cùng của thế giới này thì nơi này vẫn là nơi thu hút sự chú ý của mọi người trên thế giới. Kinh Thánh chép “Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, và nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ làm sự phán xét trong các nước, đoán định về nhiều dân.”
“Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh.” Ê-sai 2:2-5.
Và nói như cách của người Do Thái, nguyện điều này sẽ thành trong kỳ của chúng ta.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comments