top of page
Tìm kiếm

CƠ ĐỐC NHÂN – HẬU DUỆ CỦA CÁC CƠ ĐỐC NHÂN ĐẦU TIÊN TẠI ĐẤT THÁNH NGÀY NAY RA SAO?




Nếu một lần nào đó bạn được đến với Thánh Địa Do Thái, bạn sẽ nhìn thấy Giê-ru-sa-lem với những tòa nhà được ốp đá, nhìn thấy những tảng đá được dùng để xây dựng các công trình tại đây. Tại nơi này bạn cũng có thể bắt gặp các thành viên của cộng đồng Cơ Đốc Giáo đã thờ phượng Chúa tại nơi thánh này kể từ khi Cơ Đốc Giáo bắt đầu.


Như trong I Phi-e-rơ 2:5 có chép “anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng” thì những “viên đá sống” này tại vùng đất Do Thái đã tạo nên cộng đồng Cơ đốc nhân bản địa đầu tiên trên thế giới.


Cơ Đốc Giáo được bắt đầu như một phong trào bên trong Do Thái giáo với 15 giám mục đầu tiên chính là những người gốc Do Thái. Theo Kinh Thánh chúng ta được biết các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su là người Do Thái hoặc theo đạo Do Thái thuộc các tầng lớp khác nhau. Những Cơ Đốc Nhân tại vùng đất này được coi là “người ngoài hành tinh cư trú” trên đất của Israel hoặc Palestine.


Hậu duệ của những Cơ đốc nhân ban đầu ngày nay vẫn sống trong các làng mạc và thành phố của Israel, Palestine và Jordan. Trong số tổ tiên của họ có những người đã nghe Chúa Giê-su giảng, thấy ngài chữa lành bệnh tật, và có lẽ nằm trong số 5000 người được cho ăn bánh và cá bởi phép lạ hóa bánh kỳ diệu của Chúa. Lịch sử Kinh thánh đã xảy ra ở sân sau của họ.


Những Cơ đốc nhân này phần nhiều ở Jerusalem , Bethlehem, Galilê và Jordan. Họ sinh sống bằng cách trồng, chăm sóc cây ô liu, buôn bán trong khu chợ, dạy trong các trường cao đẳng, sống trong các trại tị nạn.


Hiện tại, cộng đồng Cơ Đốc Giáo được chia thành các cộng đồng khác nhau như Chính thống giáo, Công giáo và Tin lành. Ngôn ngữ chủ yếu của các Cơ Đốc Nhân vùng này là tiếng Ả Rập. Tại sao là tiếng Ả-rập ? Theo như Công vụ 2: 5-11 ghi lại thì phần đông những người với nhiều dân tộc và ngôn ngữ khác nhau đến tại Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ Tuần đó chính là người Ả Rập. Bởi điều đó mà có cộng đồng Cơ Đốc Giáo nói tiếng Ả rập ở tại đây.


Tại Thánh Địa, có 13 nhà thờ truyền thống được công nhận bởi các nhà chức trách dân sự: Chính Thống Hy Lạp, Công Giáo Latin (hoặc La Mã), Armenia Orthodox, Công Giáo Hy Lạp (hoặc Melkite), Công Giáo Maronite, Syria Orthodox, Công Giáo Syria, Chính Thống Coptic, Chính Thống Giáo Ethiopia, Công Giáo Armenia, Chaldea, Anh giáo và Luther. Ngoài ra còn có nhiều nhà thờ Tin lành khác nhau nữa.


Các nhà thờ Thiên chúa giáo của Thánh địa tạo thành một sự đa dạng phong phú về ngôn ngữ, phụng vụ, họ có các bản sắc dân tộc và cách ăn mặc khác nhau. Trang trí bên trong của các Thánh Đường của các Cơ Đốc Nhân tại Do Thái cũng khác với các nơi khác. Sự thờ phượng, sự tôn vinh ở đây cũng khác với các nơi khác. Đơn cư như việc hát tôn vinh, ở đây người ta thường hát tôn vinh mà không có sự hỗ trợ của các nhạc cụ, người ta tin rằng chỉ có giọng nói của con người - do Chúa tạo ra - mới có thể ca ngợi Chúa cách xứng đáng.


Ngày nay, vì những khó khăn, bất ổn chính trị, và phân biệt tôn giáo và sắc tộc mà số lượng của các cơ đốc nhân này đang giảm đến mức báo động - chưa đến 2% dân số ở Israel và Palestine. Cuộc đấu tranh để có một cuộc sống bình thường đã khiến hàng ngàn tín đồ Cơ đốc giáo phải di cư , đặc biệt là từ Palestine. Hơn một nửa số người Palestine theo đạo Thiên chúa hiện sống bên ngoài Đất Thánh. Thành phố Bethlehem ở Bờ Tây , từng là một thị trấn theo đạo Thiên chúa, nay chủ yếu là người Hồi giáo. Có nhiều Cơ đốc nhân từ Bethlehem sống ở Santiago, Chile, hơn ở quê hương của họ, nơi Chúa giáng sinh.


Theo số liệu thống kê thì vào năm 2014, dân số Israel có hơn 8 triệu dân, Palestine 4,5 triệu và Jordan 6,5 triệu. trong đó người theo đạo Thiên chúa được ước tính chiếm từ 2 đến 3% trong tổng số này (hơn 2% ở Israel và Jordan và khoảng 1,25% ở Palestine). Tỷ lệ này ở Israel và Lãnh thổ Palestine đã giảm từ khoảng 10% trước năm 1948.


Tại Israel các nhóm Cơ Đốc Nhân chính bao gồm :


• 120.000 đến 130.000 Kitô hữu Ả Rập (chủ yếu sống ở phía bắc đất nước và ở các thành phố có cả người Do Thái-Ả Rập như Haifa và Ramla).

• 30.000 đến 40.000 Cơ đốc nhân đã hòa nhập vào cộng đồng nói tiếng Do Thái (chủ yếu là những người nhập cư nói tiếng Nga từ Liên Xô cũ hoặc Đông Âu)

• Khoảng 160.000 công nhân nhập cư theo đạo Cơ đốc (chủ yếu từ châu Á), người xin tị nạn (chủ yếu từ châu Phi) và người ở quá hạn (chủ yếu từ Đông Âu).

Tại Lãnh thổ Palestine (và Đông Jerusalem) có khoảng 50.000 Cơ đốc nhân, hầu hết đều là người Ả Rập Palestine.

Một ngôi làng ở Bờ Tây, Taybeh , hoàn toàn là nơi sinh sống của những người theo đạo Thiên chúa. Ước tính có khoảng 650.000 Cơ đốc nhân gốc Palestine sống ở nước ngoài, chủ yếu ở châu Mỹ và Tây Âu.


Ở các quốc gia Thánh địa khác:


Ở Jordan có khoảng 250.000 công dân theo đạo Thiên chúa là người Jordan và người Ả Rập Palestine. Ngoài ra, có hàng chục ngàn công nhân di cư theo đạo Thiên chúa từ châu Á và châu Phi, và hàng ngàn tín đồ Thiên chúa giáo trong số những người tị nạn từ Syria và Iraq.


Các làng Semakìeh, Fuhèis và Shàtana của Jordan chủ yếu theo đạo Thiên chúa.

Cơ đốc nhân ở Ai Cập có hơn 12 triệu người vào đầu năm 2010, chiếm khoảng 15% dân số. Chính thống giáo Coptic chiếm ưu thế, nhưng cũng có những cộng đồng lớn gồm Công giáo và Tin lành Coptic.


Người theo đạo Thiên chúa ở Syria có khoảng 1,5 triệu người, chiếm khoảng 8% dân số. Chính thống giáo (tiếng Hy Lạp, tiếng Syriac, tiếng Armenia) chiếm ưu thế, sau đó là người Công giáo phương Đông và một số ít hơn người Công giáo Latinh và Tin lành.


Sống tại nơi mà phần lớn là người Hồi Giáo, các Cơ Đốc Nhân ngày nay tại Đất Thánh đang phải đấu tranh với niềm tin, bản sắc tôn giáo của mình. Vì vậy là những con cái Chúa chúng ta có trách nhiệm hướng về vùng đất này mà cầu thay, chúc phước cho Cơ Đốc Nhân tại đây.


“nguyền xin ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Đức Chúa Trời là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ là Con của Cha, được ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và sự yêu thương!” II Giăng 1:3


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page