top of page
Tìm kiếm

CỔNG VÀNG, CỔNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA – NƠI ĐẤNG MÊ-SIA ĐI VÀO.



Cổng Vàng là cổng nằm ở phía đông của núi Đền, đây là cổng cổ nhất trong 8 cổng hiện đang còn Thành Phố Giê-ru-sa-lem. Cổng Vàng ngày nay có từ năm 1541 TC. Trước đó, khi đền thờ thứ nhất được xây dựng xong (năm 827 TCN), thì cổng này là đi chính vào khu vực Đền thờ cho đến năm 586 TCN. Vào năm 586 TCN đền thờ bị phá hủy, bị đốt và các cổng cũng bị hủy phá.


Vào năm 335 TCN, Ạt-ta-xét-xe (Vua của Ba Tư, Artaxerxes I), đã cho phép Nê-hê-mi đi xây dựng lại Thành phố Jerusalem, bao gồm tường và cổng theo yêu cầu của Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 2). Nê-hê-mi được bổ nhiệm làm thống đốc xứ Giu-đê. Nê-hê-mi đến Giê-ru-sa-lem và đã sửa lại vách thành và các cổng (Nê-hê-mi 3) và cổng vàng được tu bổ lại trong Nê-hê-mi 3:29.



Cổng Vàng nằm ở phía đông của Núi Đền, phía đông thành cổ, đối diện với Núi Ô li ve. Đây là cổng gần nhất với đền thờ, có thể nói đây là cổng chính để đi vào đền thờ. Ngày nay, cổng vàng đã bị xây bít lại và một đền thờ mái vòm của Hồi Giáo nằm trên nền chính của đền thờ cũ.


Người Do Thái gọi Cổng Vàng là Sha'ar Harachamimi (Gate of Mercy) nghĩa là cổng của lòng thương xót, cổng có hai phần cửa, phần cửa phía nam được gọi là CÁNH CỔNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA , và phần cách cửa phía bắc được gọi là CÁNH CỔNG CỦA SỰ ĂN NĂN. Từ nhiều thế kỷ, trước khi nơi này bị người Hồi Giáo quản lý thì đây là nơi mà người Do Thái cầu nguyện. Người Do Thái đến đây, đối diện với Cổng Vàng, họ bắt đầu cầu nguyện ở cổng của sự ăn năn để ăn năn tội trước khi đến xin sự thương xót trước cổng của sự thương xót Chúa.



Người Ả Rập trong thời Trung cổ đặt tên cho nó là CỔNG CỦA SỰ SỐNG VĨNH CỬU, họ còn gọi là cổng vàng hay cổng của lòng thương xót. Theo kinh Koran của Hồi giáo, ngày phán xét những người hồi giáo sẽ phải đi qua cánh cổng này, tại đây Alla sẽ phán xét hết thảy mọi người.


Còn đối với người Thiên Chúa Giáo thì họ gọi đây là Cổng Vàng, theo các sách ngụy kinh của công giáo thì tại Cổng Vàng này cha mẹ của Chúa Jesus đã gặp nhau sau khi Ma-ri được thiên sứ của Chúa truyền tin cho biết sẽ mang thai Chúa cứu thế Giê-su.


Người Ki tô giáo tin rằng Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế đã vào thành Giê-ru-sa-lem và được tung hô như là một vị Vua và là Cứu Chúa từ Cổng Vàng này. (Ma-thi-ơ 21, Mác 11, Giăng 12). Điều này cũng là điều ứng nghiệm lời tiên tri của Xa-cha-ri về vị Vua, Đấng Cứu thế sẽ vào từ cổng phía đông. Ngoài sách ngụy kinh, sách Ma-thi-ơ 21:1 cũng có nói đến việc Chúa Giê-xu đã sai các môn đồ đi trước vào thành từ núi Ô-li-ve. Chúa cũng ở tại núi Ô-li-ve trước khi vào thành nên có thể nói Chúa Giê-xu đã vào thành từ núi Ô-li-ve đúng như những lời tiên tri đã có từ trước.



Cổng Vàng có số phận rất đặc biệt, đây là cổng duy nhất trong 8 cổng còn lại bị đóng đi đóng lại rất nhiều lần. Vào năm 810 SCN Cổng Vàng bị đóng lại bởi người Hồi Giáo sau khi thành phố bị xâm chiếm. Năm 1102, cổng thành được mở lại bởi quân thập tự chinh và sau đó nó được xây dựng bởi Saladin, vua của Ai Cập sau khi Saladin chiếm lấy Jerusalem vào năm 1187 SCN.


Vào năm 1530 SCN những người chinh phục Hồi giáo (Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ) đã dùng những viên đá lớn để xây bít lại Cổng Vàng. Năm 1535 SCN Suleiman, vua của của đế chế Ottoman, đã ra lệnh xây dựng lại các bức tường đổ nát của thành phố Jerusalem trong đó có Cổng Vàng. Vào năm 1541 sau Công Nguyên, trong quá trình xây dựng lại, Suleiman đã xây dựng lại cánh cổng mới và xây bít lại như có ngày nay.



Ngoài ra, người Hồi giáo cũng đã dựng một nghĩa trang Hồi Giáo ngay trước Cổng Vàng nhằm ngăn cản Đấng Cứu Thế và tiên tri Ê-li đi qua. Tiên tri Xa-cha-ri đã nói lời tiên tri về việc Đấng Mê-sia sẽ vào thành từ Cổng Vàng trong Xa-cha-ri 14:4-5 “Trong ngày đó, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông; và núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa về phía đông và phía tây, đến nỗi thành ra một trũng rất lớn; phân nửa núi dời qua phương bắc, phân nửa dời qua phương nam.Các ngươi sẽ trốn trong trũng núi, vì trũng núi ấy sẽ chạy dài đến Át-san; và các ngươi sẽ đi trốn như là trốn khỏi cơn động đất đang ngày Ô-xia, vua Giu-đa. Bấy giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta sẽ đến, hết thảy các thánh sẽ ở cùng ngươi.”


Người Hồi giáo tin rằng Ê-li từ dòng dõi A-rôn, và Đấng Mê sia không thể bị ô uế bởi xác chết nên họ vừa dựng nghĩa trang, vừa xây bít cổng nhằm ngăn cản Đấng Mê-sia vào thành.


Tuy nhiên, 600 năm TCN, tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng đã tiên tri về việc cổng sẽ bị đóng sau khi Đấng Mê-sia vào “Đoạn người đem ta đến hiên cửa ngoài của nơi thánh ngó về phía đông. Cửa ấy vẫn đóng. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng ta rằng: Hiên cửa nầy sẽ đóng luôn, không mở nữa. Chẳng ai được vào bởi hiên cửa nầy, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã vào bởi đó; vậy cửa ấy sẽ đóng lại.” Ê-xê-chi-ê 44:1-2.


Dầu thế nào, thì đây là cánh cổng rất đặc biệt, nơi Đấng Christ, Đấng Mesia đã vào. Nguyện xin ý muốn Chúa sẽ được thành trong ý định tốt lành của Ngài.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page