Sách Tin lành Mác được viết bởi một người mang tên là "Giăng cũng gọi là Mác" (Công vụ 12:12, 25). Giăng là tên Do-thái, và Mác (Macus), tiếng La-tinh nghĩa là búa lớn là một tên quen thuộc của người La-mã. Tên thứ hai nầy có lẽ đặt lúc Mác ở thành An-ti-ốt với Phao-lô và Ba-na-ba, và tỏ ra là công dân La-mã như Phao-lô. Mác hay còn gọi là Giăng Mác là con một bà tên là Ma-ri ở thành Giê-ru-sa-lem (Công vụ 12:12), và là anh em chú bác với Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10). Khi Phi-e-rơ được cứu ra khỏi ngục thì đến nhà quen biết là nhà bà Ma-ri (Công vụ 12:12), và "có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện" tại đó. Dường như Phi-e-rơ gặp Mác trong nhà nầy và đem Mác trở lại đạo, nên có chép "Mác là con tôi" (2Phi-e-rơ 5:13). Không có bằng cớ Mác là một trong 70 môn đồ được Chúa sai đi, song chắc "người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình, khi sắp bị bắt thì "bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn", ấy là Mác (Mác 14:51-52). Mác giấu tên chỉ chép một sự mình từng biết rất rõ.
( ngôi nhà mà người ta tin là của mẹ Giăng - Mác, nơi Đức Thánh Linh giáng lâm và là nơi Chúa cử hành tiệc thánh )
Mác là một người rất sốt sắng về công việc Chúa, theo Phao-lô và Ba-na-ba là kẻ hầu việc trong cuộc lưu hành truyền đạo lần thứ nhứt; song tới thành Bẹt-giê lìa hai người trở về (Công vụ 12:25; 13:13). Một số người cho rằng Mác rời đi vì phản đối với lẽ đạo người ngoại bang có thể được cứu rỗi chỉ bởi đức tin. Gia đình Mác cũng như gia đình Phao-lô đều là "người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ", nên thấy Công vụ 13:5, 13 chỉ chép tên Hê-bơ-rơ của Mác tức là Giăng. Phao-lô lấy lẽ đạo được cứu rỗi bởi đức tin làm quan trọng nhứt, nên không chịu nhận Mác đồng đi trong cuộc lưu hành thứ hai (Công vụ 15:38). Có lẽ Mác cũng không chịu vì từ khi Sê-giút Phau-lút tin Chúa thì Ba-na-ba đứng sau Phao-lô (so Công vụ 13:2 và 4). Vì Ba-na-ba vị nể người bà con, nên thành ra một cuộc cãi nhau dữ dội giữa hai người (Công vụ 15:36-40). Song Mác không bỏ Phao-lô mãi đâu, vì sau ta thấy Mác ở bên Sứ đồ khi bị cầm tù lần thứ nhứt tại La-mã (Cô-lô-se 4:1; Phi-lê-môn 24). Câu thứ nhứt dường như nói đến một cuộc hành trình của Mác tại Tiểu A-si. Sau đó, Mác ở cùng Phi-e-rơ tại thành Ba-by-lôn (2Phi-e-rơ 5:13). Khi trở lại Tiểu A-si, Mác ở với Ti-mô-thê tại Ê-phê-sô vì Phao-lô nói đến Mác trong 2Ti-mô-thê 4:11 lúc bị cầm tù lần thứ hai tại La-mã.
Mối quan hệ giữa Mác và Phi-e-rơ là nền tảng cho sự chép sách Tin lành Mác. Các văn sĩ xưa đều hiệp ý Mác là "kẻ thông dịch" (Tức "giúp cho", Công vụ 13:5) của Sứ đồ Phi-e-rơ. Vậy khi Mác giúp cho, có người tin Mác thông dịch ra tiếng Hy-lạp các bài giảng bằng tiếng Aramaique của Phi-e-rơ. Còn có người khác tin chắc Mác đã chép sách Tin lành mình đúng với các bài giảng Phi-e-rơ, và bởi thế "thông dịch" cho khắp các Hội Thánh. 2 Phi-e-rơ 5:13 cho thấy Mác ở Ba-by-lôn với Phi-e-rơ chớ không phải ở La-mã, nên có dịp tiện nghe và chép sách mình.
Theo lời truyền khẩu, Phi-e-rơ sai Mác sang xứ Ai-cập và tại đó Mác lập Hội Thánh tại thành A-léc-xan-tri và giảng nhiều nơi khác, sau trở về A-léc-xan-tri làm trưởng lão. Theo truyền khầu khác Mác vốn là thầy tế lễ song sau khi trở nên tín đồ Đấng Christ đã tự chặt một ngón tay để khỏi chức đó; vậy có một tên hiệu là "người cụt ngón tay". Mác ở tại cù lao Chíp-rơ cho đến khi Ba-na-ba qua đời, sau mới sang A-léc-xan-tri lập Hội Thánh.
Theo truyền khải thì vào ngày 21 tháng 4 năm 64 SC. Giăng Mác giảng một bài kỷ niệm sự chịu chết và Phục sinh của Chúa Giê-xu, nhân ngày lễ Vượt qua. Trước đó ông đã gặp nhiều mối bất hòa với những thầy tư tế ngoại giáo tại địa phương và họ chọn ngày hôm nay để xúi giục dân chúng nổi lên chống lại ông.
Những người nổi loạn ùa vào nhà hội và bắt Giăng Mác. Họ dùng móc câu và dây thừng lôi ông ra ngoài băng ngang qua hội chúng. Lôi xuống phố, rồi lôi ra ngoài thành. Những vết thẹo trên cơ thể và nhiều chỗ rỉ máu khắp người ông. Trong khi đám đông hò reo và nhạo báng ông càng la lớn và càng đông hơn. Giăng Mác nói lời sau cùng để giao linh hồn trong tay của Cứu Chúa rồi qua đời.
Ngay cả khi Giăng Mác qua đời, đám đông vẫn chưa thỏa mãn, họ bàn với các thầy tư tế đem thiêu thi thể thay vì đem chôn. Đột nhiên, một trận bão nổi lên gió rất mạnh, làm đám đông tản mác đi mọi hướng và thi thể của Mác bị bỏ lại. Một nhóm tín hữu đến lấy xác và đem đi chôn cất cách tử tế.
Vào năm 815 S.C. những lính cất lấy xác của Mác mang sang thành Venise và chôn ở dưới nhà thờ mang tên Thánh Mác.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Comentarios