Mác 6:14-29
Câu chuyện Giăng Báp-tít bị vua Hê-rốt Antipas chém đầu trong ngục là một câu chuyện buồn trong Kinh Thánh mà không ai trong chúng ta có thể đọc lướt qua mà không dừng lại suy nghĩ, thương cảm cho số phận của một tiên tri đặc biệt được mệnh danh là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước trong thời Tân Ước. Đối với Hê-rốt, Giăng Báp-tít đã phạm hai tội đáng chết đó là:
[1] Sự ảnh hưởng của Giăng đối với dân chúng ngày càng lấn lướt ảnh hưởng của Hê-rốt. Vốn là một vị vua ham hố quyền lợi, vinh hoa và danh dự. Ông ta lo sợ và ganh tức với ảnh hưởng của Giăng Báp-tít trong lòng dân chúng ngày một lớn (Ma-thi-ơ 14:5). Nhà sử học người Do Thái thời đó tên là Josephus cho rằng Giăng quá nổi tiếng vì "có nhiều người kéo đến tụ họp quanh ông vì họ hết sức cảm động khi ông rao giảng. Hê-rốt lo sợ ảnh hưởng lớn lao của Giăng trong dân chúng có thể tạo thế lực cho Giăng và gây ra cuộc nổi loạn." Nên cách tốt nhất cho nhà độc tài "đa nghi và sợ hãi" này đó là giết Giăng.
[2] Giăng dám nói thẳng nói thật, dám chỉ trích cái sai trái của Hê-rốt và can ngăn ông ta đừng phạm tội trọng trong việc cướp vợ của em trai mình là Hê-rốt Phi-lip, một người rất giàu có sống tại La-mã ( không phải là vua) Hê-rốt Antipas có lần khi sang thăm gia đình em trai mình đã nổi lòng tham "vợ người". Trong luật pháp Do Thái Hê-rốt đã phạm tội ly dị vợ không có lý do và cưới em dâu mình là điều cấm kỵ. Giăng Báp-tít không ngần ngại quở trách Hê-rốt.
Tính đa nghi và sợ hãi có thể biến các mối quan hệ tình bạn thành thù hận, yêu thương thành ganh ghét, ủng hộ trở thành đố kỵ, chối bỏ nhau và nguy hiểm hơn là loại nhau! Điều này đã có trong các câu chuyện ở Cựu Ước như câu chuyện của La-ban và Gia-cốp; Giô-sép và các anh em người; Sau-lơ và Đa-vít; Câu chuyện và hoàn cảnh có thể khác nhau nhưng tính chất của sự việc vẫn không thay đổi.
Người ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho kẻ thù là ma quỉ - nguyên nhân chính trong sự việc này, chứ ít khi nhìn nhận sự việc do mình gây ra! Nếu Sa-tan ngày nay có kiện cáo anh chị em thì đây là điều chúng nó sẽ khiếu nại. Bởi ngọn ngành của sự việc là do tính đa nghi và sợ hãi mà một lãnh đạo hay người bình thường có thể phá hoại công việc Chúa, hôn nhân gia đình, tình bạn, quan hệ xã hội... sau đó lại đổ cho người khác hay có vẻ thiêng liêng hơn khi cho đó là do ma quỉ.
Làm sao để dẹp đi tính đa nghi và sợ hãi? Người ta đánh mất lòng chánh trực, ngay thẳng và kính sợ Đức Chúa Trời bởi vì thiếu sự cầu nguyện. Đọc sách nhiều thay cho đọc Lời Đức Chúa Trời. Một khi sự thông công giữa ai đó với Đức Chúa Trời chỉ là chiếu lệ thì xác thịt sẽ sống mạnh mẽ hơn người thuộc linh mà Đức Chúa Trời mong muốn.
Ngày nào tôi kêu cầu, các kẻ thù nghịch tôi sẽ thối lại sau;
Tôi biết điều đó, vì Đức Chúa Trời binh vực tôi. (Thi Thiên 56:9)
Mục sư David Dong
(Arizona, May 13 2019)
Kommentare