top of page
Tìm kiếm

KHÁM PHÁ VỀ MÍCH BA – THÀNH PHỐ KHỞI ĐẦU CỦA GIÉP THÊ VÀ CỦA SA-MU-ÊN.



Nhưng gì khảo cổ học đã làm ngày nay, cũng chỉ để khám phá, tìm tòi và phát hiện những sự thật, rất thật mà Kinh Thánh đã ghi lại. Chúng ta cũng chỉ có thể tạ ơn Chúa và nói rằng “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy.” Phục truyền 29:29.


Mích-ba, tên gọi của một thành phố khá quan trọng trong Kinh Thánh vào thời cổ đại. Lần đầu thành phố này được nhắc đến trong Sáng thế ký 31:49 “… gọi là Mích-ba, vì La-ban có nói thêm rằng: Khi chúng ta phân cách nhau, cầu xin Đức Giê-hô-va coi sóc cậu và cháu.” Vì vậy tên Mích-ba trong tiếng Do Thái này có nghĩa là “tháp canh” “trạm gác”, như là sự canh giữ giao ước của La-ban với Gia Cốp.


( Phần còn lại của bức tường ngoài tại Mích ba lót thạch cao. Được xây dựng vào thời kỳ Vua A-sa )


Trong Kinh Thánh có 42 lần nhắc đến thành phố này, cũng có khá nhiều những sự kiện đáng chú ý trong Kinh Thánh được diễn ra ở tại đây. Địa điểm của thành phố cổ này ngày nay chính là di chỉ khảo cổ Tell en-Nasbeh.Thành phố cổ (Tell en-Nasbeh) nằm cách Jerusalem khoảng 12 km về phía bắc. Thành phố cổ Mích ba nằm trên tuyết đường quan trọng nối giữa các thành phố phía nam Hếp-rôn, Giê-ru-sa-lem và các thành phố phía bắc Sa-ma-ri cùng với Shechem.


Mích ba là thành phố thuộc về chi phái Bên gia min, vào thời Các Quan Xét đây chính là nơi Giép Thê khởi đầu làm quan xét ( Các quan xét 11:11 ), bắt đầu từ Mích ba, ông đã giải phóng dân Do Thái trước kẻ thù của dân tộc mình. Vào cuối sách Các quan xét, chi phái Bên gia min đã phạm lỗi trọng trước vợ bé của một tiên tri, vì vậy cả dân Y-sơ-ra-ên đã hiệp với nhau tại Mích ba để đến chiến đấu với chi phái Bên-gia-min trong Các quan xét 19,20.


( Kiến trúc của thành phố Mích ba trong các thời kỳ khác nhau, thời đồ sắt màu đen, ba-by-lôn màu đỏ và màu xanh là thời kỳ Hy lạp )


Đến thời tiên tri Sa-mu-ên thì Mích ba cũng là nơi khởi đầu chức vụ quan xét của ông “Chúng hội hiệp tại Mích-ba, …. Sa-mu-ên đoán xét dân Y-sơ-ra-ên tại Mích-ba.” I Sa-mu-ên 7:6. Mích ba cũng là nơi người ta tin là Sa-mu-ên đã mở trường tiên tri đầu tiên ở đây, theo truyền khẩu của cơ đốc giáo thì đây chính là nơi chôn cất tiên tri Sa-mu-ên, mặc dù Kinh Thánh ghi chép lại Sa-mu-ên được chôn ở Ra-ma ( I Sa-mu ên 25:1), nhưng theo lời truyền lại, vào thời thập tự chinh, quân đội thập tự chinh đã phát hiện xương của Sa-mu-ên tại Ra-ma và đã di dời chúng chôn tại Mích ba.


Năm 1926, Tiến sĩ Bade lần đầu tiên đến Israel để bắt đầu các cuộc khai quật tại di chỉ Tell en-Nasbeh ( Thành cổ Mích ba). Ngay vào ngày đầu tiên, ngày 3 tháng 4 năm 1926, bốn công nhân Ai Cập đã tìm thấy phần đầu của một bức tường và sau đó hai ngày đã lộ ra một phần lớn bức tường thành vĩ đại chỉ dưới một mét rưỡi đất.

Đây chính là phát hiện quan trọng nhất tại đây, hệ thống phòng thủ của thành phố Mích-ba, thành cổ CÓ HAI DÃY TƯỜNG THÀNH: một bức tường nhỏ bên trong và một bức tường lớn bên ngoài, được xây dựng vào hai thời điểm khác nhau.


Bức tường bên ngoài là bức tường to lớn đã biến đỉnh đồi thành “một trong những pháo đài Do Thái mạnh nhất” trong khu vực. McCown viết: “Bức tường nặng hơn và hùng vĩ hơn bất kỳ bức tường nào cho đến thời điểm đó được tìm thấy ở khu vực này. Bức tường đo được khoảng 660 mét, và dày trung bình hơn 4 mét. Phần cao nhất được bảo tồn của bức tường là 5,5 mét trên nền đá, mặc dù bức tường ban đầu sẽ được xây dựng cao hơn nhiều; Người ta ước tính bức tường có thể cao từ 12 đến 14 mét.


( Cổng thành hai ngăn bên ngoài và bức tường thành vĩ đại ở Mích-ba )

Tường được xây dựng bởi một số viên đá lớn, những viên đá này nặng đến nỗi ba hoặc bốn người thợ không thể nhúc nhích được. Bức tường được phủ bởi một lớp thạch cao dày để làm cho bức tường khó leo lên, một chiến lược quân sự phổ biến thời đó.


Theo báo cáo của McCown và Bade, thì những bức tường này có niên đại chính xác vào cuối thế kỷ thứ 10 TCN . Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nó chính xác với những lời tường thuật trong Kinh thánh về thành phố Mích ba vào thời điểm này.


Vào cuối thế kỷ thứ 10 TCN, Mích-ba là tiền đồn biên giới của vương quốc Giu-đa và vương quốc Y-sơ-ra-ên do Ba-ê-sa trị vì. Trong khoảng thời gian Vua A-sa làm vua Giu Đa (khoảng năm 900 bce ), Kinh Thánh chép “Vả, A-sa, vua Giu-đa, và Ba-ê-sa, vua Y-sơ-ra-ên, đánh giặc nhau trọn đời mình.” I Các vua 15:32. Vua Ba-ê-sa định xây đồn lũy tại Ra-ma để ngăn dân sự vua A-sa ( I Các vua 15:17), biết điều đó vua A-sa đã liên kết với Bên-ha-đát vua Sy-ri để tiến đánh vương quốc phía bắc. Vua Ba-ê-sa đã rút lui khỏi Ra-ma và “Vua A-sa bèn nhóm hết thảy người Giu-đa, không trừ một ai; chúng đem đi những đá và gỗ mà Ba-ê-sa đã dùng xây-đắp đồn Ra-ma. Vua A-sa dùng đồ ấy đặng xây-cất Ghê-ba trong xứ Bên-gia-min, và Mích-ba.” I Các vua 15:22. Điều này đã giải thích cho bức tường dày và cao được tìm thấy tại Mích ba.


Bức tường nhỏ hơn bên trong được xác định vào thế kỷ thứ 12 TCN, đây chính là thời kỳ của tiên tri Sa-mu-ên, bởi Mích ba là nơi ông làm quan xét, nơi dân sự hiệp đến để tranh chiến cùng với với người Phi-li-tin nên nơi đây đã dựng bức tường thành để phòng thủ và “Bấy giờ, Sa-mu-ên lấy một hòn đá, dựng lên giữa khoảng Mích-ba và Sen, đặt tên là Ê-bên-Ê-xe. Vì người nói rằng: Đức Giê-hô-va đã cứu giúp chúng tôi đến bây giờ.” I Sa-mu-ên 7:12.


Các cuộc khai quật sau đó đã phát hiện ra một số công trình bao gồm lăng mộ, cánh cổng lớn, hố chứa ngũ cốc, bàn ép rượu, vòng đeo tay, trang sức bằng đá quý, thuốc nhộm, khung cửi, khung dệt, bể chứa và vô số đồ gốm khác nhau chứng tỏ đây đã từng là một thành phố rất phát triển. Ngoài ra người ta còn phát hiện thấy những mẫu tự MSH và MSP (nghĩa là Mích-ba) và một bảng chữ hình nêm có chữ SAR KISATI “ vua vũ trụ” có niên đại trong khoảng 800-650 TCN. Những phát hiện này phù hợp với ghi chép của Kinh Thánh, giai đoạn đó chính là thời kỳ cuối của các vua Giu đa, sau khi đất nước bị đánh chiếm, dân sự bị lưu đày đến Ba-by-lôn ( II Các vua 25 ) “về dân sự mà Nê-bu-cát-nết-sa đã chừa lại trong xứ Giu-đa, thì vua Ba-by-lôn đặt Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam, cháu Sa-phan, làm quan tổng-đốc.” II Các vua 25 : 22 và Mích ba đã trở thành TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH của Giu đa thời bấy giờ II Các vua 25:23.


Trong khi khai quật một ngôi mộ tại nghĩa địa miền tây Tell en-Nasbeh vào năm 1932, Tiến sĩ Bade đã phát hiện ra một con dấu còn được bảo tồn cách hoàn hảo và rất đẹp bằng mã não đen trắng trên đó có khắc dòng chữ "Thuộc về Gia-a-xa-nia, người hầu của nhà vua."


( Con dấu của Gia-a-xa-nia được chia thành ba phần. phần trên ghi "Thuộc về Gia-a-xa-nia ," Giữa ghi "tôi tớ của nhà vua." Cụm từ eved hamelech , "đầy tớ của vua", là một cụm từ Kinh thánh được sử dụng trong 2 Các Vua 25: 8 cùng với cụm từ "quan thị vê", những tước vị có thể được sử dụng thay thế cho nhau - do đó phù hợp với sự phân biệt của Gia-a-xa-nia được gọi là "tướng" trong câu 23.)


Con dấu này có niên đại khoảng một năm trước khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa chinh phục Jerusalem vào năm 586 TCN. Lúc đó Nê-bu-cát-nết-sa đã lưu đày vua Sê-đê-kia và bổ nhiệm Giê-đa-lia thống đốc xứ Giu Đa. Thật đáng kinh ngạc, tên của trên con dấu chính là tên của Gia-a-xa-nia, một trong những vị tướng đến cùng với với Giê-đa-lia tại Mích-ba trong II Các Vua 25:23. Có thể Gia-a-xa-nia cùng nằm số những người bị ám sát tại Mích-ba bởi ích-ma-ên, cùng với thống đốc Giê-đa-lia sách Giê-rê-mi 41:1-3. Những người bị giết được chôn tại Mích ba trong hố mà vua A-sa đã đào ( Giê-rê-mi 41 : 6-9). Con dấu của Gia-a-xa-nia này được tìm thấy trong một ngôi mộ được sử dụng lại từ thời kỳ đồ sắt, cho thấy con dấu có thể đã được chôn cùng với ông sau khi ông qua đời.


Thật tuyệt vời, những gì mà người ta khám phá ra được đã minh chứng những dữ liệu trong Kinh Thánh là chính xác, không hề sai lệch. Ngày nay càng ngày càng có nhiều những bằng chứng khảo cổ được tìm thấy như để chứng mình rằng quyển Kinh Thánh mà chúng ta cầm trên tay, quả thật là LỜI đến từ Đức Chúa Trời CÓ MỘT và THẬT. Ngài cũng chính là Đấng bất biến, là Đấng không hề đổi thay qua mọi thời đại.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.










Comments


bottom of page