top of page
Tìm kiếm

Kinh Thánh có tiên tri về nhà nước Israel?

Ngày nay thế giới đang lo sợ về tình hình ở Trung Đông. Những cuộc tấn công bằng tên lửa, xung đột giữa các lực lượng vũ trang dân quân và ném bom khủng bố xảy ra thường xuyên. Thêm vào đó còn có khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng. Không ngạc nhiên gì khi khắp nơi người ta lo lắng.


Thế giới cũng lo âu khi theo dõi tình hình Trung Đông vào tháng 5 năm 1948. Thời điểm đó, cách đây 62 năm, quyền ủy trị của Anh đối với lãnh thổ lúc ấy được gọi là Palestine sắp chấm dứt, và chiến tranh sắp xảy ra. Năm trước đó, Liên Hiệp Quốc cho phép việc thành lập một nước Do Thái độc lập trong vùng có dân định cư. Các quốc gia Ả Rập xung quanh long trọng tuyên bố sẽ ngăn cản việc này bằng bất cứ giá nào. Liên đoàn Ả Rập cảnh báo: “Đường chia cắt lãnh thổ sẽ chỉ là đường lửa và máu”.


Đó là 4 giờ chiều thứ sáu ngày 14 tháng 5 năm 1948. Chỉ còn vài giờ nữa, quyền ủy trị của Anh sẽ chấm dứt. Trong bảo tàng Tel Aviv, có một nhóm 350 người là khách mời bí mật đang háo hức chờ đợi nghe một thông báo—lời tuyên bố chính thức về sự thành lập của Nhà nước Israel. An ninh được thắt chặt, vì người ta sợ nhiều kẻ thù của nước mới ra đời sẽ tấn công buổi lễ.


Chủ tịch Hội đồng quốc gia Israel, ông David Ben-Gurion đọc Tuyên ngôn thành lập Nhà nước Israel (The Declaration of the Establishment of the State of Israel). Trong đó có ghi: “Chúng tôi, thành viên của Hội đồng nhân dân, đại diện của cộng đồng Do Thái Eretz-Israel... dựa trên quyền tự nhiên và lịch sử, và sức mạnh của Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, xin tuyên bố việc thành lập Nhà nước Do Thái ở Eretz-Israel, được gọi là Nhà nước Israel”.


Một sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh?

Một số người đạo Tin Lành tin rằng Nhà nước Israel ngày nay làm ứng nghiệm một lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong sách Jerusalem Countdown, mục sư John Hagee viết: “Sự kiện trọng đại này đã được nhà tiên tri Ê-sai ghi lại: “Một nước sẽ sanh ra trong một ngày”. (Xem Ê-sai 66:8)... Đó là thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử tiên tri của thế kỷ 20. Đó là bằng chứng sống để mọi người thấy rằng Đức Chúa Trời của Israel còn sống và mạnh khỏe”.


Lời phát biểu đó có đúng không? Câu Ê-sai 66:8 có báo trước sự thành lập của Nhà nước Israel ngày nay không? Ngày 14 tháng 5 năm 1948 có phải là “thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử tiên tri của thế kỷ 20” không? Nếu Nhà nước Israel ngày nay vẫn là dân Đức Chúa Trời chọn, và nếu Ngài đang dùng dân ấy để làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Kinh Thánh, thì điều này chắc chắn đáng để các học viên Kinh Thánh khắp nơi chú ý.

Nhà tiên tri Ê-sai viết: “Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân-tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái” (Ê-sai 66:8). Câu này rõ ràng báo trước một nước thình lình sanh ra, như thể trong một ngày. Nhưng ai làm điều này? Câu Kinh Thánh tiếp theo cho một manh mối: “Đức Giê-hô-va phán: Ta là Đấng đã mở lòng mẹ ra, há chẳng săn-sóc sự sanh-đẻ hay sao? Đức Chúa Trời ngươi phán: Ta là Đấng đã khiến sanh-đẻ, há lại làm cho son-sẻ hay sao?”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy rõ sự ra đời đầy ấn tượng của nước đó là do Ngài làm.


Israel ngày nay là nước theo chế độ dân chủ, không chính thức tuyên bố tin cậy nơi Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Dân Israel vào năm 1948 có nhìn nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng chịu trách nhiệm về sự thành lập nước của họ không? Không. Danh Đức Chúa Trời, ngay cả từ “Đức Chúa Trời” cũng không được đề cập đến trong bản tuyên ngôn gốc. Sách Great Moments in Jewish History nói điều này về bản thảo cuối cùng: “Đến 1 giờ chiều, khi Hội đồng quốc gia họp, các thành viên bất đồng về cách diễn đạt của bản tuyên ngôn lập nước... Những người Do Thái tinh ý muốn có sự đề cập đến “Đức Chúa Trời của Israel”. Những người theo chủ nghĩa thế tục phản bác. Để dàn xếp, ông Ben-Gurion quyết định rằng sẽ dùng từ “Hòn Đá” thay vì “Đức Chúa Trời””.


Trong việc đòi quyền lập nước, Nhà nước Israel cho đến ngày nay vẫn dựa vào nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và vào điều mà họ gọi là quyền tự nhiên và lịch sử của dân Do Thái. Nếu cho rằng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thực hiện phép lạ mang tính tiên tri lớn nhất trong thế kỷ 20 vì lợi ích của một dân không tôn vinh Ngài, điều đó có hợp lý không?


Việc đòi quyền lập nước ngày nay khác với xưa thế nào?

Thái độ của Nhà nước Israel ngày nay tương phản rõ rệt với tình trạng vào năm 537 trước công nguyên (TCN). Lúc bấy giờ, nước Israel (Y-sơ-ra-ên) “sinh lại” như thể trong một ngày, sau 70 năm kể từ khi bị Ba-by-lôn tàn phá và dân bị bắt đi. Lúc đó, lời tiên tri Ê-sai 66:8 đã ứng nghiệm cách ấn tượng khi Si-ru Đại Đế nước Phe-rơ-sơ, người chinh phục Ba-by-lôn, cho phép người Do Thái trở về quê hương.—E-xơ-ra 1:2.


Năm 537 TCN, vua nước Phe-rơ-sơ là Si-ru nhận biết có bàn tay của Đức Giê-hô-va trong việc này, và những người hồi hương đã về Giê-ru-sa-lem với mục đích cụ thể là khôi phục sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và xây lại đền thờ. Nhà nước Israel ngày nay chưa bao giờ công bố ước muốn hoặc ý định như thế.


Vẫn là dân được Đức Chúa Trời chọn?

Năm 33 công nguyên (CN), dân Israel (Y-sơ-ra-ên) mất đặc ân là dân của Đức Chúa Trời khi họ từ chối Đấng Mê-si, Con của Ngài. Chính Đấng Mê-si đã phán như vầy: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi... Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Lời của Chúa Giê-su ứng nghiệm vào năm 70 CN khi quân đội La Mã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem cùng với đền thờ và sự sắp đặt về chức tế lễ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã phán: “Trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta... sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh”. Vậy ý định ấy sẽ ra sao?—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6.


Sứ đồ Phi-e-rơ, người gốc Do Thái, trả lời câu hỏi trên trong lá thư viết cho tín đồ Đấng Christ gồm cả dân ngoại và dân Do Thái. Ông viết: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời... anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương-xót, mà bây giờ được thương-xót”.—1 Phi-e-rơ 2:7-10.


Những tín đồ Đấng Christ được thánh linh chọn thì thuộc về một dân thiêng liêng, địa vị thành viên không tùy vào gốc gác hay vùng địa lý. Sứ đồ Phao-lô diễn tả điều này như sau: “Điều yếu-cần chẳng phải sự chịu cắt-bì, hay là sự chẳng chịu cắt-bì, bèn là trở nên người mới. Nguyền xin sự bình-an và sự thương-xót giáng trên hết thảy những kẻ noi theo mẫu-mực nầy, lại giáng trên dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa!”.—Ga-la-ti 6:15, 16.


Nhà nước Israel ngày nay cấp quốc tịch cho bất cứ ai gốc Do Thái hoặc cải đạo Do Thái trong khi đó địa vị thành viên của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” chỉ ban cho những ai “vâng-phục Đức Chúa Jêsus-Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài” (1 Phi-e-rơ 1:1, 2). Nói về những thành viên này của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, tức người Do Thái theo nghĩa thiêng liêng, sứ đồ Phao-lô viết: “Vì không phải người Do Thái bề ngoài là người Do Thái thật, cũng không phải cắt bì phần xác bên ngoài là cắt bì thật. Nhưng người Do Thái thật là người Do Thái bề trong và cắt bì thật là cắt bì trong lòng, bởi Thánh Linh chứ không phải bởi văn tự. Người như thế thì được khen không phải từ người ta mà từ Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 2:28, 29, Bản Dịch Mới.


Câu Kinh Thánh trên giúp chúng ta hiểu lời gây tranh cãi của Phao-lô. Trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma, Phao-lô giải thích rằng những người gốc Do Thái không tin nơi Chúa Giê-su thì giống như các nhánh của “cây ô-li-ve” bị cắt đi để cho ‘nhánh hoang’ dân ngoại được tháp vào (Rô-ma 11:17-21). Kết luận minh họa này, Phao-lô nói: “Một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ; vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu” (Rô-ma 11:25, 26). Có phải Phao-lô báo trước rằng vào phút cuối, rất nhiều người Do Thái sẽ đổi sang đạo Đấng Christ không? Rõ ràng không có sự đổi đạo như thế.


Qua nhóm từ “cả dân Y-sơ-ra-ên”, Phao-lô ám chỉ tất cả dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng—những tín đồ Đấng Christ được chọn bởi thánh linh. Ông có ý nói dù những người gốc Do Thái không chấp nhận Đấng Mê-si, Đức Chúa Trời vẫn thực hiện ý định có một “cây ô-li-ve” thiêng liêng đầy những nhánh sinh trái. Điều này phù hợp với minh họa của Chúa Giê-su về ngài là cây nho mà những nhánh không sinh trái sẽ bị cắt đi. Chúa Giê-su nói: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn”.—Giăng 15:1, 2.


Kinh Thánh tuy không báo trước về sự thành lập Nhà nước Israel ngày nay nhưng báo trước về sự thành lập nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng! Nếu bạn nhận biết và kết hợp với nước thiêng liêng đó, bạn sẽ nhận được ân phước đời đời.—Sáng-thế Ký 22:15-18; Ga-la-ti 3:8, 9.

Comments


bottom of page