Machpela được gọi là Cave of the Patriarchs ( hang động của tổ phụ ) hay Tomb of the Patriarchs ( lăng mộ của các tổ phụ ), người Do Thái thì gọi đó là Cave of Machpelah. ( Trong Kinh Thánh tiếng việt thì Machpela được phiên âm là Mặc-bê-la )
Theo như Kinh Thánh thì đây là nơi chôn cất của Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca, Gia-cốp và Ra- chên. Đối với người Do Thái thì đây là 3 tổ phụ của đức tin quan trọng nhất của họ, đặc biệt với Áp-ra-ham thì ông cũng được người Hồi Giáo coi như là tổ phụ chung. Về thuộc linh thì Áp-ra-ham được coi như là tổ phụ về thuộc linh của những người tin Chúa. Áp-ra-ham cũng được coi là khởi nguồn của ba tôn giáo lớn Do Thái Giáo, Ki-to Giáo và Hồi giáo.
Từ Machpelah có nghĩa là "nhân đôi", "nhân lên" hoặc "gấp đôi" và Me'arat có nghĩa là "hang động" nên một bản dịch theo nghĩa đen sẽ đơn giản là "hang kép". Tên này đề cập đến bố cục của hang động được cho là bao gồm hai hoặc nhiều hang được kết nối với nhau. Machpela nằm ở ngoại ô Hebron, đây là nơi linh thiêng thứ hai của người Do Thái và Hồi Giáo sau Núi Đền.
Vì vị trí đặc biệt của nó nên nơi này trải qua nhiều thăng trầm khác nhau. Vào thế kỷ thứ 6 Hoàng đế Justinian I đã xây dựng một vương cung thánh đường ở tại đây, sang thế kỷ thứ 7 người Hồi giáo đã chiếm được nơi này và chuyển đổi thành Nhà thờ Hồi giáo Áp-ra-ham. Thế kỷ thứ 12, thập tự quân đã chiếm được nơi này và biến nó thành thánh đường của Thiên Chúa Giáo, năm 1188 người Hồi Giáo lại chiếm được và biến nó thành nhà thờ Hồi Giáo. Sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã lấy lại quyền quản lý khu vực này từ tay người Hồi Giáo.
Vì những điều đặc biệt và vì tính chất linh thiêng của Machpela mà nơi này luôn là nơi thu hút của nhiều người khi đến thăm đất nước Do Thái. Đây là một trong những nơi có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đất nước khác.
Dưới đây là các phần Kinh Thánh nói về sự chôn cất của các tổ phụ đức tin Do Thái.
Chôn cất Sa-ra: Sáng 23 : 17-20
“Vậy, cánh đồng của Ép-rôn tại Mặc-bê-la, phía đông Mam-rê, gồm cánh đồng có hang đá và tất cả cây cối trong cánh đồng, được chuyển thành sản nghiệp của Áp-ra-ham trước sự chứng kiến của con cháu gia tộc Hếch, là tất cả những người có mặt tại cổng thành. Sau đó, Áp-ra-ham an táng vợ mình là Sa-ra nơi hang đá trong cánh đồng Mặc-bê-la, phía đông Mam-rê, tức Hếp-rôn, thuộc đất Ca-na-an. Như vậy, cánh đồng trong đó có hang đá đã được con cháu gia tộc Hếch chuyển nhượng cho Áp-ra-ham làm nơi an táng.
Chôn cất của Áp-ra-ham : Sáng thế ký 25 :8:10
Ông trút hơi thở cuối cùng và qua đời khi tuổi cao tác lớn, được mãn nguyện trong cuộc sống, và được trở về với tổ tông mình. Hai con trai ông là Y-sác và Ích-ma-ên đã an táng ông trong hang đá Mặc-bê-la, thuộc cánh đồng của Ép-rôn, con trai Sô-ha, người Hê-tít, phía đông Mam-rê. Đó là cánh đồng mà Áp-ra-ham đã mua lại của con cháu gia tộc Hếch. Áp-ra-ham được an táng tại đó cùng với vợ ông là Sa-ra.
Chôn cất của Y-sác – Rê bê ca. Sáng thế ký 49 : 29-32
Kinh Thánh không ghi về việc chôn cất của Y-sác nhưng mọi người được biết qua lời trăn trối của Gia-cốp có đề cập đến nơi chôn của Y-sác và Rê-bê-ca trong Kinh Thánh “Sau đó ông dặn bảo các con: “Cha sắp về sum họp với tổ tiên. Các con hãy chôn cất cha cạnh các tổ phụ, trong hang đá ở cánh đồng của Ép-rôn, người Hê-tít, tức là hang đá trong cánh đồng Mặc-bê-la, gần Mam-rê, thuộc xứ Ca-na-an mà Áp-ra-ham đã mua của Ép-rôn, người Hê-tít, để làm nơi an táng. Ở đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và vợ là Sa-ra, Y-sác và vợ là Rê-bê-ca, và cũng tại đó cha đã chôn Lê-a. Cánh đồng và hang đá trong đó đã được mua lại từ gia tộc Hếch.”
Chôn cất của Gia-cốp và Lê-a: Sáng thế 50 12-14.
“Vậy, các con trai Gia-cốp đã làm theo lời trăn trối của cha. Họ đưa ông về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá ở cánh đồng Mặc-bê-la, gần Mam-rê, mà Áp-ra-ham đã mua của Ép-rôn, người Hê-tít, để làm nơi an táng. Sau khi chôn cất cha, Giô-sép và các anh em cùng những người đưa tang trở về Ai Cập.”
Lê a được chôn ở đây và được đề cập đến ở phần trên ở lời trăn trối của Gia Cốp (Sáng thế ký 49:32 )
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
コメント