top of page
Tìm kiếm

MỘT THÀNH PHỐ PHI-LI-TIN 3000 NĂM TUỔI - QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC CỦA GÔ-LI-ÁT ?



Các nhà khảo cổ Israel khi khai quật thành phố Gát cổ đại tại di chỉ Tell es-Safi đã phát hiện ra những công sự khổng lồ 3.000 năm tuổi với kích thước chưa từng có, đây là khám phá lớn nếu xét về thời gian và địa điểm của chúng. Các nhà nghiên cứu cho biết, khám phá này có thể giúp giải thích lý do tại sao Kinh thánh đặt tên thị trấn này là nơi sinh sống của những người khổng lồ. ( Giô-suê 11 ; I Sa-mu-ên 17 :4; I Sa-mu-ên 21 ).


Những tàn tích hoành tráng xuất hiện trong những tháng gần đây bên dưới tàn tích khu di chỉ thành phố Gát đã được khám phá kỹ lưỡng cho thấy rằng các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra một thành phố cổ hơn nằm bên dưới của thành phố Gát. Khu di chỉ thành phố Gát đã được các thế hệ tiếp theo xây dựng một phần hoặc toàn bộ trên một di tích cổ xưa.


Khám phá cho thấy Gát đã ở đỉnh cao quyền lực sớm hơn nhiều so với người ta nghĩ trước đây. Thời kỳ hoàng kim của nó đúng vào khoảng thời gian mà thành phố có nhiều đặc điểm như trong câu chuyện Kinh Thánh. Quê hương của Gô-li-át và những người to lớn khác.



Aren Maeir, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bar-Ilan, người dẫn đầu đoàn thám hiểm ở Gát, cho biết: “Tôi đã đào ở đây 23 năm và nơi này vẫn khiến tôi ngạc nhiên. “Cùng với đó, chúng ta đã có một thành phố khổng lồ, lâu đời hơn này nằm ẩn mình chỉ một mét dưới thành phố mà chúng ta đang đào bới.”


Nằm ở miền nam Israel, di chỉ này được gọi là Tell es-Safi, đây là một gò đất mà phần lớn được tạo thành từ những tàn tích phân tầng của nhiều khu định cư còn sót lại sau hàng thiên niên kỷ sinh sống của con người.

Các điểm tìm thấy tại Tell es-Safi trải dài từ những di tích có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 5 BC đến lâu đài Thập tự chinh thời trung cổ và một ngôi làng Ả Rập hiện đại bị phá hủy trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948 của Israel. Hầu hết các học giả chấp nhận việc xác định địa điểm này là Gát trong Kinh thánh, một phần lớn là do vị trí của nó và các di tích chính thời Phi-li-tin được tìm thấy ở đó.


Gát được nhắc đến trong Kinh thánh nhiều lần hơn bất kỳ thành phố nào trong số năm thành phố lớn của Philistine (bốn thành phố còn lại trong Giô-suê 13:3 là Éc-rôn, Ách-đốt, Ách-ka-lôn và Ga-xa ). Gát cũng là nơi lưu giữ Hòm Giao ước trong một thời gian ngắn sau khi quân Phi-li-tin chiếm được nó từ tay dân Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 5: và đó là nơi Đa-vít tìm nơi ẩn náu hai lần khi vua Sau-lơ truy đuổi. (1 Sa-mu-ên 21 và 1 Sa-mu-ên 27).


MỘT THÀNH PHỐ ẨN DẤU HIỆN RA TRÊN NỀN DI CHỈ THÀNH PHỐ GÁT.



Khi các nhà khảo cổ đào xớt tại khu di chỉ Tell es-Safi, họ đã phát hiện ra những ngôi đền, ngôi nhà bằng gạch bùn và những máy ép dầu khổng lồ vẽ nên bức tranh của một thành phố nhộn nhịp với hơn 500 dunam (50 ha) với dân số khoảng 5.000-10.000 người.


Maeir nói: “Đây là thành phố lớn nhất của Phi-li-tin và có lẽ là một trong những thành phố lớn nhất trong thời kỳ đồ sắt Levant. "Các thành phố lớn hơn chỉ được tìm thấy bên ngoài Levant, chẳng hạn như ở Ai Cập và Mesopotamia."


Phần còn lại này ở thời kỳ đồ sắt IIA, có từ cuối thế kỷ thứ 10 BC đến cuối thế kỷ thứ 9 BC, và bị phá hủy bởi một vụ hỏa hoạn, có thể là vụ hỏa hoạn trong cuộc chinh phục khu vực của vua Si-ry vào khoảng năm 830 BC - một sự kiện được ghi lại trong Kinh thánh “Trong lúc đó, Ha-xa-ên, vua Sy-ri, đến xâm phạm đất Gát, và choán lấy.” (2 Các Vua 12:17). Gát không bao giờ hồi phục sau cú đánh đó: sau đó nó được xây dựng lại như một khu định cư nhỏ của người Giu-đa nhưng lại bị phá hủy bởi người A-si-ry vào cuối thế kỷ thứ 8 BC.



Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cho rằng Phi-li-tin Gát chủ yếu phát triển trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi giữa cuối thế kỷ 10 BC. Theo trình tự thời gian trong Kinh thánh, Sau-lơ và Đa-vít , những người thường xuyên có quan hệ với người Gát thì người Phi-li-tin Gát sống vào cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 10 BC.


Trong lần tìm kiếm vào mùa hè, các nhà khảo cổ học đã quyết định điều tra nền móng của những bậc thang lớn nằm ở thành phố thấp hơn của thành cổ Gát. Các cuộc khai quật cho thấy những bậc thang đó nằm trên những công sự lớn và những tòa nhà lớn hơn được làm từ những tảng đá khổng lồ và gạch nung - một phương pháp làm cho chúng cứng hơn so với gạch bùn được phơi nắng truyền thống.


Ở một số khu vực, những bức tường này dày từ bốn mét trở lên, và đồ gốm gắn với chúng có niên đại từ đầu thời kỳ đồ sắt, đến thế kỷ 11 BC hoặc có thể sớm hơn. Maeir cho biết không có cấu trúc khổng lồ nào có thể so sánh được trong phần còn lại của Levant từ thời kỳ này - hoặc thậm chí từ hậu thân sau này của Phi-li-tin Gát.

Những công trình kiến trúc đồ sộ này kết hợp với hình ảnh Gát như một cường quốc lớn trong khu vực đã có từ đầu thời kỳ đồ sắt - một bức tranh từ Kinh thánh và các bằng chứng khảo cổ trong khu vực xung quanh.



Những bức tường này có thể là những bức tường đã được nhìn thấy bởi Đa-vít khi ông tìm đến với A-kích vua của Gát trong 1 Sa-mu-ên 21:10-15, có thể lắm đây là bức tường mà ông đã “người vẽ gạch dấu trên cửa” nhằm giả bộ điên cuồng trước mặt vua Gát.


Tất nhiên, khi nhắc đến Đa-vít thì mọi người đều biết về chiến tích sớm hơn, vinh quang hơn của anh ta khi đánh bại Gô-li-át một người Phi-li-tin khổng lồ, người được ca ngợi là đến từ thành phố đó. “Bấy giờ, có một người lực sĩ từ trại quân Phi-li-tin mà ra, tên là Gô-li-át, quê ở Gát; bề cao người sáu thước một gang.” ( 1 Samuel 17: 4 ).


Một dòng chữ được tìm thấy trên gốm của một thợ làm gốm ở Tell es-Safi có niên đại vào thế kỷ thứ 9 BC (hơn một thế kỷ sau thời của Đa-vít) có đề cập đến những cái tên tương tự về mặt từ nguyên với cái tên Gô-li-át.



Gô-li-át thực ra không phải là người to lớn duy nhất trong Kinh Thánh. Kinh thánh mô tả những người khổng lồ bí ẩn - “Rephaim”, “Anakim” và những người khác - từng có mặt trên trái đất và những hậu duệ cuối cùng của họ có thể được tìm thấy giữa những người Phi-li-tin, đặc biệt là ở Gát.


Những cánh cửa về lịch sử Kinh Thánh đang dần được mở ra, câu chuyện thú vị về những người khổng lồ còn sót lại như trong Giô-suê 11: 16- 22 chép “Chẳng còn người A-na-kim nào trong xứ Y-sơ-ra-ên, chỉ ở tại Ga-xa, Gát, và Ách-đốt thì có.”cũng đã nói lên điều gì đó.


Với quy mô của những gì đã phát hiện cho thấy một thành phố với những cư dân đông đảo đến mức tàn tích của nó vẫn còn được biết đến và đủ ấn tượng để được nhắc đến trong sách A-mốt 6:2 “Vậy hãy qua Ca-ne, và hãy xem; hãy đi từ đó đến thành Ha-mát lớn, đoạn xuống thành Gát của người Phi-li-tin. Những thành ấy há tốt hơn những nước nầy sao? Bờ cõi chúng nó há lớn hơn bờ cõi các ngươi sao?”


Trong văn bản này, Tiên tri Amos coi việc hủy diệt Gát như một ví dụ về sự ngạo mạn bị Đức Chúa Trời trừng phạt và cảnh báo về sự diệt vong sắp xảy ra đối với các nhà lãnh đạo kiêu hãnh của dân Y-sơ-ra-ên (A-mốt 6).

Biết đâu đó đây chính là nơi sinh sống của người khổng lồ Gô-li-át mà Kinh Thánh đã mô tả, chúng ta hãy chờ xem khảo cổ sẽ tìm thấy thêm điều gì trong thời gian đến.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page