top of page
Tìm kiếm

Người Do Thái dạy gì cho con cái trong gia đình của họ?

Đã cập nhật: 26 thg 11, 2020



Giải Nobel năm 2020 năm nay, cũng không ngoại lệ khi có đến ba nhà khoa học gốc Do Thái nhận được giải thưởng danh giá này. Theo như các nhà hiền triết của Do Thái thì sự khác biệt của người Do Thái phần lớn nằm ở những sự dạy dỗ Kinh Thánh. Người Do Thái rất coi trọng sự giáo dục, Kinh Thánh chép “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Châm ngôn 22:6. Có nhiều cách giáo dục khác nhau nhưng với họ giáo dục trong gia đình Do Thái là quan trọng hơn hết, là yếu tố quyết định sự thành công của dân tộc này. Dưới đây là một số điều căn bản mà người Do Thái dạy lại cho con cái trong gia đình của họ. 1. Khắc ghi Kinh Thánh trong lòng. Tại gia đình của người Do Thái, trẻ em ngay từ khi còn rất nhỏ đã bắt đầu đọc Kinh Thánh và đây như là luật mà trẻ con phải vâng theo. Khi còn nhỏ, chưa cần trẻ phải hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh nhưng họ đã dạy cho trẻ em học thuộc lòng Kinh Thánh. Người Do Thái tin rằng, việc học thuộc lòng Kinh Thánh sẽ giúp cho trẻ em phát triển trí nhớ, việc có một trí nhớ tốt sẽ ảnh hưởng tốt đến những gì trẻ con học trong tương lai. Trẻ em Do Thái ngay từ khi rất nhỏ đã bắt đầu đọc những lời cầu nguyện khác nhau, sau đó đọc sách Ngũ Kinh (Torah), các sách trong Cựu Ước, Kinh Talmud… đây là những cuốn sách đi cùng với người Do Thái cả cuộc đời họ. Ngoài ra người Do Thái cũng có cách đặc biệt để đọc thuộc lòng Kinh Thánh. Ngoài cách đọc chậm rãi, họ còn đung đưa người theo các nhịp điệu. Họ cầm Kinh Thánh và vận dụng tất cả các bộ phận của cơ thể để có thể ghi nhớ lấy ý nghĩa của nó. Họ tin rằng khi đồng thời vận dụng cả việc nhìn, đọc, nghe, nói, cử động sẽ có hiệu quả hơn đọc trong im lặng và họ giữ thói quen này. 2. Khắc ghi lịch sử dân tộc họ. Những đứa trẻ Do Thái, họ lớn lên bởi những câu chuyện được truyền lại trong Kinh Thánh về lịch sử của dân tộc họ. Đối với mỗi gia đình Do Thái, lịch sử của dân tộc họ không phải là một môn học trong trường học mà là một phần của cuộc sống họ. Những câu chuyện đó được dạy lại, in sâu trong lòng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ Do Thái dạy cho con cái họ lịch sử thần thánh của họ, đây là nguồn cội, là sự tự hào của dân tộc họ. Bởi vì con cái được dạy về lịch sử của dân tộc, đã giúp cho những đứa trẻ Do Thái có sự tự tin và thái độ tích cực trong cuộc sống. 3. Giữ ngày Sabbat. Người Do Thái rất coi trọng việc giữ ngày Sabbat, đây như là một lịnh truyền đời đời và họ dạy cho con cái họ giữ theo những điều đó. Kinh Thánh Do Thái cho biết ngày nghỉ của họ là ngày mà Chúa dựng nên, đây cũng là một trong những luật lệ mà họ tuân giữ các nghiêm chỉnh nhất. Người Do Thái dạy lại điều này cho con cháu và hướng dẫn gia đình giữ lấy ngày Sabbat để con cái họ noi theo. Vào ngày Sabbat, người Do Thái dừng mọi hoạt động kinh doanh, đi lễ vào lúc 8h sáng cho đến trưa, đọc những lời cầu nguyện bằng tiếng Do Thái và lắng nghe những lời dạy của Kinh Thánh. Có nhiều nghi thức, điều cấm trong những ngày này nhưng một trong những điều họ làm đó chính là đọc và suy ngẫm Kinh Thánh vào ngày nghỉ. Có lẽ điều này cũng giúp họ trở nên thông minh và sáng tạo hơn vì kết quả của sự sáng tạo khi bộ não được thư giãn cách hợp lý và đúng đắn. 4. Dạy con tôn trọng sự khôn ngoan. Kinh thánh Do Thái có hẳn một sách là sách châm ngôn nói về sự khôn ngoan và những kinh nghiệm có từ trước của người Do Thái. Ngay từ nhỏ trẻ em trong gia đình Do Thái được dạy “Nếu một ngày ngôi nhà của con bị thiêu rụi và tài sản bị cướp, thì thứ con cần mang theo không phải tiền, cũng không phải là của cải, mà là trí tuệ. Bởi vì trí tuệ bất kể là ai cũng không cướp đoạt được. Miễn là con còn sống, trí tuệ sẽ luôn theo con". Như vậy, từ ngàn xưa người Do Thái đã xem tri thức là gia tài đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt. Và đây là nhân tố quan trọng giúp người Do Thái đạt được trí thông minh vượt bậc so với phần còn lại của thế giới. 5. Dạy con đọc sách. Trong gia đình người Do Thái, khi đứa trẻ còn nhỏ, người mẹ sẽ mở cuốn Kinh thánh ra, nhỏ một ít mật ong lên mặt sách, rồi bảo bé hôn mật ong trên Kinh thánh. Mục đích của việc này là để cho trẻ em thấy rằng sách thật ngọt ngào, để lại ấn tượng tốt đẹp khi trẻ lần đầu tiên tiếp xúc với sách, vì vậy đứa trẻ cả đời sẽ yêu thích sách. Gia đình Do Thái cũng có một thói quen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là tủ sách được đặt trên đầu giường. Nếu đặt ở cuối giường, nó sẽ bị coi là thiếu tôn trọng cuốn sách. Những thói quen này đã khiến họ trở thành một dân tộc yêu sách nhất thế giới. Tài sản người Do Thái để lại cho con mình là một tủ sách và ít nhất trên kệ đều có 10 cuốn sách của mọi thời đại. Họ coi đây chính là di sản để lại cho con của mình. Israel cũng là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số đầu sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào lại không tranh thủ thời gian để đọc, để học, để làm giàu tri thức. Ngoài yếu tố di truyền, trí tuệ có khi còn đến từ một thói quen tốt. Còn thói quen nào tốt hơn đọc sách để tăng thêm kiến thức, kích thích tư duy và tăng cường trí tuệ của con người? Người Do Thái từ sớm đã nắm bắt được điều mấu chốt này của giáo dục, và rõ ràng, một dân tộc khác biệt đúng là phải có cách giáo dục thật khác biệt. Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.




Comentarios


bottom of page