top of page
Tìm kiếm

NGÀY NAY TRONG LỊCH SỬ DO THÁI - NGÀY THÀNH PHỐ HẾP-RÔN ĐƯỢC GIẢI PHÓNG VÀ LỊCH SỬ CỦA HẾP-RÔN.



Hôm nay, Thứ hai, ngày 30 tháng 5 năm 2022 nhằm ngày 29 tháng Iyar năm 5782 theo lịch Do Thái. Theo lịch sử Do Thái thì hôm nay cũng chính là ngày thành phố Hếp-rôn, một trong bốn thánh địa của người Do Thái được giải phóng.


Sau khi thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948, Jordan tiếp quản quyền kiểm soát Hebron cùng với phần còn lại của Bờ Tây. Trong thời gian này, người Israel không được phép vào Bờ Tây. Khu phố Do Thái bị phá hủy, các nghĩa trang Do Thái hoang tàn, 58 giáo đường Do Thái bị phá hủy và một chuồng súc vật được xây dựng trên tàn tích của Giáo đường Do Thái Thượng phụ Abraham.


Năm 1967, Jordan liên kết với các nước Ả Rập xung quanh tấn công Israel, kêu gọi tiêu diệt nhà nước Do Thái. Nhưng ngược lại, chỉ trong sáu ngày, IDF đã giành được quyền kiểm soát, đồng thời giải phóng Jerusalem và nhiều vùng đất khác. Ngày hôm nay chính là ngày thành phố Hếp-rôn được giải phóng.


Hếp-rôn là thành phố nằm ở phía nam Bờ Tây, cách 30 km về phía nam Giê-ru-sa-lem. Ẩn mình trong dãy núi Giu-đa, nó nằm trên mực nước biển 930 mét. Tên Hếp-rôn ( Hebrew :חֶבְרוֹן ) có nghĩa là hiệp một hay là sự liên lạc, thành phố này cũng là thành phố nhận được sự tôn kính của cả ba tôn giáo, Do thái giáo, Ki tô giáo, Hồi Giáo. Hếp-rôn là thành phố nổi tiếng ở trong Kinh Thánh, là thánh địa linh thiêng thứ hai chỉ sau Giê-ru-sa-lem, và là một trong bốn thánh địa của Hồi Giáo.


Lần đầu Hếp rôn được đề cập đến trong Sáng thế ký 13:18 “Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va.”. Khi chia tách với Lót, Chúa hứa với Áp-ra-ham “Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất;” Sáng 13:15-16. Sau đó Áp-ra-ham đã dời đến sống tại Hếp-rôn, Hếp-rôn sau này đã được mua bởi Áp-ra-ham để chôn Sa-ra với giá 400 siếc lơ bạc, đây cũng là việc mua đất đầu tiên diễn ra trong Kinh Thánh (Sáng-thế-ký 23)



Hếp-rôn xưa được gọi dưới cái tên Ki-ri-át A-ra-ba, tên này lần đầu được nhắc như là nơi “Sa-ra qua đời tại Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an.” Sáng thế ký 23:2 Và là nơi “Áp-ra-ham chôn Sa-ra, vợ mình, trong hang đá của đồng Mặc-bê-la, nằm ngang Mam-rê tại Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an.” Sáng thế ký 23:6.


Ki-ri-át A-ra-ba ( Tiếng Do Thái : קִרְיַת־אַרְבַּע ), tên này có nghĩa là “thành phố của Bốn”, được gọi như vậy đây là nơi của bốn người “…thành Hếp-rôn, là nơi có A-hi-man, Sê-sai và Thanh-mai, con cái của A-nác.” Dân số ký 13:22.


Ki-ri-át A-ra-ba chính là thành của những người giềnh giàng (khổng lồ) được nhắc đến trong Giô-suê 14:15 “Vả, khi xưa Hếp-rôn gọi là Ki-ri-át-A-ra-ba: A-ra-ba là người giềnh giàng hơn hết trong dân A-na-kim.” và “A-ra-ba là cha của A-nác” trong Giô-suê 21:11. Đến Các Quan Xét 1:10 thì người Giu-đa dưới sự chỉ huy của Ca-lép, một trong 2 người còn sót lại được vào đất hứa đã “lại đi đánh dân Ca-na-an ở tại Hếp-rôn (tên Hếp-rôn thuở xưa là Ki-ri-át-A-ra-ba), và đánh Sê-sai, A-hi-man, cùng Thanh-mai.”. Ca-lép vốn thuộc chi phái Giu-đa, khi nghe nơi đây có những người A-na-kim là người cao lớn, khổng lồ thì ông đã xin Giô-suê “cho ông núi này” Giô-suê 14:12 vì dầu Ca-lép “ tám mươi tuổi cũng khỏe bằng bốn mươi tuổi”. Bởi vậy “Giô-suê bèn chúc phước cho người, và ban Hếp-rôn cho Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, làm sản nghiệp. Bởi cớ đó, Hếp-rôn bị ban cho Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, người Kê-nít, làm sản nghiệp cho đến ngày nay; vì người có trung thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.” Giô-suê 14:13-14.


(Ki-ri-át-A-ra-ba ngày nay là một thị trấn Do Thái nằm ở phía đông Hếp-rôn, được thành lập vào năm 1968.)


Hếp rôn chính là nơi sinh sống của cả 3 tổ phụ đức tin trong Kinh Thánh là Áp-ra-ham, Y-sác ( Sáng thế ký 35:7) và Gia cốp ( Sáng thế ký 37:14 ). Ngày nay có những nơi người ta coi như đó là nhà của Áp-ra-ham, nơi Sa-ra sinh hoạt, ghi dấu những sự kiện của gia đình Áp-ra-ham.


Theo truyền khẩu của người Do Thái thì Hếp-rôn chính là nơi chôn cất A-Đam và Ê-va, vì vậy người Do Thái tin rằng nơi đây chính là cửa ngõ để vào của vườn Ê-đen. Theo như Kinh Thánh ghi chép lại thì Hếp-rôn chính là nơi chôn cất của Áp-ra-ham – Sa-ra; Y-sác – Rê-bê-ka; Gia cốp – Lê a. Hang các tổ phụ được cho là nơi chôn cất đã được xây dựng thành một khu phức hợp MACHPELA ( mặc-bê-la ), hằng năm nơi này đón được rất đông khách du lịch các nơi hành hương đến.



Thành phố Hếp-rôn là một trong sáu thành ẩn náu được phân chia cho chi phái Lê-vi và là nơi để những người vô ý phạm tội có thể ở ( Giô-suê20:7; 21:11-13). Đến thời Đa-vít thì Hếp-rôn cũng là nơi đầu tiên ông lên ngôi, Đa-vít làm vua ở Hếp-rôn trong 7 năm rưỡi (II Sa-mu-ên 2:3; 5:5) sau đó mới dời đến Giê-ru-sa-lem. Đến khi Áp-sa-lôm nổi loạn, ông đã đến Hếp-rôn và tự xưng làm Vua tại đó ( II Sa-mu-ên 15:10 ).


Ngày nay, người Do Thái đã được tự do về Hếp-rôn, “thành phố của các tổ phụ” để cầu nguyện. Người ta thường nói rằng tất cả những lời cầu nguyện đều lên trời qua Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, có một truyền thống cổ xưa cho rằng những lời cầu nguyện của mọi người trên con đường đi đến với Chúa thì nó sẽ đến Hếp-rôn đầu tiên.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page