Người Sa-ma-ri được nhiều người biết đến qua câu chuyện ngụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân lành mà Chúa Jesus đã kể trong sách Phúc Âm Lu ca; cùng với câu chuyện người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước trong sách Phúc Âm Giăng. Câu chuyện không chỉ kết thúc tại đó, ngày nay cộng đồng người Sa-ma-ri vẫn còn tồn tại ở Israel, như để nhắc nhớ những gì đã chép trong Kinh Thánh cũng như kể về câu chuyện của chính mình cho những thế hệ tiếp theo.
II Sử ký 17 ghi lại câu chuyện hình thành và bị lưu vong của người Sa-ma-ri; ngày nay người Sa-ma-ri tự nhận mình là hậu duệ của hai chi phái Israel là Ép-ra-im và Ma-na-se; hai con trai của Giô-sép. Hiện tại phần nhiều người Sa-ma-ri sống tại một ngôi làng nhỏ bé Kfar Luza trên Núi Ga-ri-xim ( Gerizim), cách Jerusalem khoảng 37 dặm về phía bắc. Núi Ga-ri-xim chính là núi “nói lời chúc lành” được nhắc đến trong Phục truyền 11:29 “Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi khiến ngươi vào xứ đặng nhận lấy, thì phải rao sự chúc lành trên núi Ga-ri-xim, và sự chúc dữ trên núi Ê-banh.”.
Người Sa-ma-ri bị lưu đày vào năm 722 TCN nhưng cũng có những người Sa-ma-ri ở đây liên tục trong khoảng 3650 năm. Vào 110 năm trước chỉ có 130 người Sa-ma-ri còn sống tại núi Ga-ri-xim nhưng ngày nay họ có khoảng hơn 800 người. Đây là có lẽ là nhóm tôn giáo nhỏ nhất trên thế giới.
Người Sa-ma-ri ngày nay là những con người của hòa bình, họ có mối quan hệ tốt với người Do Thái và người Palestine. Hầu hết những người Samaritan, đều nói được tiếng Ả Rập hiện đại, tiếng Do Thái, tiếng Anh cũng như tiếng Do Thái cổ Ngôn Ngữ Thánh của người Samaritan, cũng chính là ngôn ngữ của Kinh Thánh người Sa-ma-ri.
Các bé trai và bé gái người Samari bắt đầu học Kinh thánh cùng nhau khi mới 6 tuổi. Người Samari chỉ tuân theo Năm Sách của Moses trong Torah và không tuân theo những lời dạy, truyền thống tôn giáo hay sắc lệnh nào của giáo sĩ Do Thái. Người Samari giữ các lễ mà trong năm sách Môi-se ghi chép, ngoài ra họ không tổ chức hay giữ bất kỳ lễ nào có sau Ngũ Kinh như lễ Purim hay Hanukkah.
Theo niềm tin của người Samaritan thì không phải Jerusalem mà núi Ga-ri-xim mới là nơi Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho Áp-ra-ham hy sinh Y-sác, đồng thời là nơi đặt Đền tạm đầu tiên khi Giô-suê dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên xưa vào Đất Israel.
Cộng đồng người Samaritan ở Kfar Luza trước đây đã từng sống ở Nablus (Si-chem) nhưng đã chuyển đến Núi Gerizim linh thiêng của họ vào năm 1988. Kể từ năm 1995, người Samari ở đây là nhóm người duy nhất tại Israel có ba chứng minh thư: người Israel, người Palestine và người Jordan.
Người Sa-ma-ri là những người rất nghiêm khắc trong việc kết hôn với nhau. Kết hôn ngoài đức tin đồng nghĩa với việc bị “tuyệt thông” hay bị loại ra khỏi cộng đồng. Khoảng hai thập kỷ trước, đứng trước việc thiếu các người nữ để kết hôn với các chàng trai. Các trưởng lão người Samaritanô đã ra phán quyết cho phép một số người đàn ông kết hôn với người ngoài, miễn là những người phụ nữ đồng ý trở thành người Samaritan và theo tôn giáo của họ.
Người Sa-ma-ri cũng có những người thuộc dòng dõi thầy tế lễ và có cả thầy tế lễ thượng phẩm riêng là những người hướng dẫn đời sống đức tin của họ. Có nhiều khác biệt giữa những người Do Thái và người Sa-ma-ri khi họ thực hành đời sống đức tin. Trong khi Lễ Lều Tạm kéo dài một tuần của người Do Thái được tổ chức cách đây một tháng trong các LỀU TẠM NGOÀI TRỜI, thì theo lịch của người Samaritan, Lễ Lều Tạm bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 vừa qua và LỀU TẠM của họ được dựng TRONG NHÀ. Cách thức dựng lều tạm của cả hai cũng rất khác nhau.
Trong khi người Do Thái dựng lều tạm ngoài trời với cành liễu, nhành cây rậm, cành cọ và trái cây tốt thì trên từ trần phòng khách của mình, lều tạm của người Sa-ma-ri được trang trí cầu kỳ với gần một tấn trái cây và rau quả - cam quýt, lựu, ớt đỏ và xanh, mộc qua, táo và thậm chí cả cà tím.
Vào sáng sớm của ngày đầu tiên của kỳ nghỉ kéo dài bảy ngày, các thành viên nam của cộng đồng, mặc áo choàng trắng, lên đỉnh Núi Ga-ri-xim để làm lễ cầu nguyện truyền thống. Các thầy tế lễ sẽ mang theo một bản sao cổ của Kinh Thánh Torah, mà họ nói là lâu đời nhất trên thế giới.
Cộng đồng người Sa-ma-ri ngày nay vẫn còn ở đó, họ vẫn thờ phượng theo cách của tổ phụ họ trên núi Ga-ri-xim như cách mà người phụ nữ Sa-ma-ri đã nói với Chúa Jesus. Họ vẫn mong chờ Đấng Mesia sẽ đến dầu không biết rằng đã có một lần chính Đấng đó đã thăm viếng họ tại chính ngọn núi này.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Comments