Khi Chúa Jesus còn thi hành chức vụ, Nhà Hội là nơi mà Chúa thường xuyên vào để giảng dạy, đuổi quỷ, chữa lành, quở trách. Đây cũng là nơi quen thuộc của các sứ đồ. Vậy Nhà hội của người Do Thái thì trông như thế nào? Các chức năng trong đó như thế nào? Đây có thể là thắc mắc của nhiều người không phải là “do thái giáo” ngày nay. Dưới đây một số điều có trong các Hội Đường Do Thái hay Nhà Hội Do Thái mà mọi người nên biết.
1. Nhà Hội chính là nơi để cầu nguyện của người Do Thái
Nhà Hội của người Do Thái có chức năng chính là phục vụ cho sự cầu nguyện. Người Do Thái tin rằng có thể nói chuyện với Đức Chúa Trời cách cá nhân nhưng nếu cầu nguyện trong một giáo đường Do Thái thì với họ là thích hợp hơn cả. Người Do Thái cho rằng nếu cầu nguyện tại Nhà Hội cùng với Hội Chúng thì lời cầu nguyện sẽ được dễ dàng nghe hơn ở trên cao.
2. Nhà Hội Do Thái còn được gọi là Beit Knesset, Shul, hoặc Shtiebel
Thuật ngữ gốc trong tiếng Do Thái cho tên Nhà Hội đó chính là beit knesset , có nghĩa là “ngôi nhà của sự tụ họp”. (Từ “hội đường” là tiếng Hy Lạp có nghĩa song song với thuật ngữ tiếng Do Thái này.). Trong tiếng Do Thái mới Yiddish thì một hội đường thường được gọi là “shul” từ này có nguồn trong tiếng Đức là schule, có nghĩa là “trường học”. Nhà Hội còn được gọi là shtiebel, trong tiếng Yiddish thì đây là hình thức thu nhỏ của từ shtub (“ngôi nhà”), thường được dùng để chỉ một ngôi nhà cầu nguyện nhỏ, trang trọng.
3. Nhà Hội mở trong ngày Shabbat và trong suốt cả tuần
Tại Nhà Hội mỗi ngày có ba buổi cầu nguyện được tổ chức trong nhà hội. Vào ngày lễ Shabbat và lễ hội, có thêm buổi cầu nguyện thứ tư. Vào Yom Kippur (Đại lễ chuộc tội) ngày linh thiêng nhất trong năm, buổi cầu nguyện được tăng lên đến năm.
Trong các cộng đồng lớn, nhiều nhà hội tổ chức các buổi cầu nguyện hàng ngày. Trong khi đó ở các cộng đồng nhỏ hơn, các buổi cầu nguyện thường chỉ giới hạn trong lễ Shabbat và lễ hội. Tuy nhiên, nhiều giáo đường Do Thái mở cửa suốt tuần cho các chức năng khác.
4. Nhà Hội là trung tâm của cuộc sống Do Thái
Ngoài việc là nơi của sự cầu nguyện thì các Nhà Hội Do Thái đóng vai trò là trung tâm của cuộc sống Do Thái. Bước qua cánh cửa của Nhà Hội rất có thể bạn sẽ tìm thấy một giáo sĩ Do Thái đang giảng dạy một lớp học Kinh Thánh Torah. Một gia đình đang tổ chức lễ kỷ niệm bằng một bữa tiệc ăn mừng chiến thắng hay là lễ trưởng thành. Thậm chí đây là nơi để những người Do Thái có thể thông công với nhau. Nhiều nhà hội cũng tổ chức các trường học tiếng Do Thái vào buổi chiều và Chủ nhật cho trẻ em.
5. Nhà Hội là một "Thánh địa thu nhỏ"
Kinh Talmud của người Do Thái coi giáo đường Do Thái như một “nơi trú ẩn nhỏ”, một bản sao của Đền Thánh trong Jerusalem. Đây chính là một nơi mà người Do Thái tin rằng họ có thể cảm nhận nhiều nhất về Chúa và cũng là nơi mà họ có thể kết nối tốt nhất với Ngài. Do đó, giáo đường Do Thái phải được đối xử với sự tôn trọng và kính trọng thích hợp, ngay cả khi nơi này đang không có tổ chức các nghi lễ tôn giáo nào.
6. Lời cầu nguyện trong Nhà Hội với 10 người là tốt nhất.
Có những lời cầu nguyện và nghi lễ nhất định(như Kaddish và đọc kinh Torah) chỉ có thể diễn ra với sự có mặt của 10 nam giới, từ 13 tuổi trở lên. Đây được gọi là một “minyan”. Với người Do Thái thì dù có chín học giả xuất sắc cũng không tạo thành được một “minyan” nhưng nếu có thêm một người đàn ông thứ mười, bất kể lý lịch và năng lực trí tuệ của anh ta thế nào thì một “minyan” cũng được hình thành.
7. “Aron” nhà của Torah
Một trong những nơi hoành tráng nhất trong hội đường đó chính là “aron kodesh” (hòm thánh) ở phía trước của cung thánh. Các aron có thể có nhiều dạng khác nhau. Nó có thể là một chiếc tủ cơ bản hoặc một kiệt tác kiến trúc. Nó có thể được đặt tự do hoặc được xây dựng vào tường. Nó có thể có kích thước khiêm tốn hoặc khổng lồ. Tuy nhiên, dù bất kể nó có kiểu dáng nào thì mỗi “Aron” đều chứa các cuộn kinh Torah, vật thiêng liêng nhất trong đạo Do Thái. Kinh Thánh Torah là các cuộn sách được viết tay bằng chữ Do Thái trên giấy da, mỗi cuộn có chứa năm sách của Môi-se. Các cuộn giấy được cất giữ trong hòm và chỉ được lấy ra để đọc trong các buổi lễ hoặc trong những dịp đặc biệt khác.
8. “Aron” được đặt đối mặt với Jerusalem
Theo truyền thống Do Thái thì những người Do Thái ở hải ngoại thì khi họ sẽ HƯỚNG VỀ ĐẤT THÁNH khi cầu nguyện. Những người tại Israel sẽ HƯỚNG VỀ JERUSALEM để cầu nguyện. Người Do Thái tin rằng mọi lời cầu nguyện của họ sẽ lên trời qua Núi Đền tại Jerusalem.
Do đó, trong hầu hết các khu vực, “Aron” được xây dựng trên bức tường phía đông của giáo đường Do Thái. Tuy nhiên, nếu bạn vào một hội đường ở phía đông Y-sơ-ra-ên, bạn sẽ thấy “Aron” ở bức tường phía tây . Tương tự, ở các thành phố của Israel ở phía bắc hoặc phía nam của Jerusalem, “Aron” nằm ở bức tường phía nam hoặc phía bắc.
9. Kinh Torah được đọc từ Bimah
Ở trung tâm của khu giữ Kinh Torah thì có một nơi gọi là bimah có nghĩa là “nền tảng”. Đây là chiếc bàn mà từ đó kinh Torah được đọc. Nó thường (nhưng không có nghĩa là luôn luôn) được bao phủ bởi một tấm vải và được đặt trên một sân khấu có thể nâng lên hay hạ xuống. Ngoài việc đọc Torah tại đó thì đây cũng là nơi mà từ đó các bài giảng được giảng ra.
10. Tại Nhà Hội của người Do Thái thì Người Nam và Người Nữ ngồi tách ra
Theo truyền thống của người Do Thái, thì đàn ông và phụ nữ phải ngồi riêng trong khi cầu nguyện. Ở nhiều giáo đường Do Thái (lâu đời hơn), chỗ ngồi cho phụ nữ nằm trong một phòng riêng ở phía trên. Tuy nhiên, phổ biến hơn là cả nam và nữ đều ngồi ngang hàng với nhau và có một mechitzah “vách ngăn” ở giữa họ.
11. Hội chúng cầu nguyện theo văn bản cầu nguyện mang tên là Siddur
Cuốn sách được sử dụng phổ biến nhất trong hội đường là siddur (“sách cầu nguyện”). Bản siddur chứa toàn bộ văn bản của những lời cầu nguyện cho các ngày trong tuần, lễ Shabbat và lễ hội. Nhiều giáo đường Do Thái ngày nay có nhiều tuyển chọn các bài phụ được dịch sang tiếng Anh và kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, đơn giản, để ngay cả những người mới đến cũng có thể cảm thấy như ở nhà.
12. Một Giáo sĩ đứng đầu Giáo đoàn
Một giáo sĩ Do Thái tại hội đường là người hướng dẫn tinh thần của Hội Nhóm. Trong nhiều cộng đồng, các giáo sĩ Do Thái cũng thuyết giảng trong ngày Shabbat, các buổi sáng của các ngày lễ và vào những dịp đặc biệt.
13. “Chazan” là người dẫn dắt các buổi nhóm
Hầu hết các buổi cầu nguyện được dẫn dắt bởi một thành viên của Hội Chúng được gọi là “Chazan”. Những lời cầu nguyện của hội chúng được truyền đi thông qua chazan , vì vậy việc dẫn dắt các buổi cầu nguyện là một trách nhiệm và đặc ân tuyệt vời. Chazan chỉ đơn giản là một thành viên của hội thánh, người tình nguyện dẫn dắt hội chúng của mình cầu nguyện.
14. Giáo đường Do Thái được phát minh vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên
Đáng ngạc nhiên là Nhà Hội không được đề cập trong Kinh Torah (Năm sách của Môi-se) . Từ thời Môi-se cho đến khi người Do Thái xây dựng lại Đền thờ Thứ hai thì người Do Thái có nghĩa vụ cầu nguyện hàng ngày bằng cách soạn những lời cầu nguyện riêng và cầu nguyện riêng. Hằng năm họ theo luật trong Kinh Thánh bằng cách hành hương đến Jerusalem để thực hành các nghi lễ tôn giáo chung Đền thờ.
Sau khi họ xây dựng xong Đền Thờ thứ hai vào năm 352 TCN. Đại Hội Đồng của người Do Thái đã thiết lập các văn bản cầu nguyện cũng như nghĩa vụ đối với các cá nhân cần tham gia vào các nghi lễ chung. Cả người Israel cũng như những người du mục đều dành thời gian để cầu nguyện chung, và đó là khi Nhà Hội ra đời.
15. Chúa Jesus khi còn thi hành chức vụ, Chúa thường vào Nhà Hội để giảng dạy
Kinh Thánh Tân Ước có rất nhiều nơi ghi chép lại đây như là nơi mà Chúa Jesus vào để giảng dạy “Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành của nước Đức Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân” Ma-thi-ơ 4:23. Chúa từ chữa lành cho người cai Nhà Hội (Ma-thi-ơ 9), đuổi tà ma tại Nhà Hội (Mác 1:23) chữa lành cho người bị teo tay (Mác 3:1).
Trong Giăng 18:20 “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta từng nói rõ ràng cùng thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và đền thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại, chớ ta chẳng từng nói kín giấu điều gì.” Chính vì vậy đây là nơi ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời Chúa. Ngày nay người ta tìm thấy rất nhiều Nhà Hội ở những nơi mà Chúa từng đi qua và có mặt vào thời kỳ của Chúa. Có thể lắm đây là những nơi mà Chúa cũng đã từng giảng dạy tại đó.
16. Nhà Hội cũng là nơi mà các sứ đồ như Phao Lô thường giảng dạy tại đó
Sách công vụ ghi chép nhiều về việc các sứ đồ giảng dạy tại đây “Tại Thành Y-cô-ni, Phao-lô và Ba-na-ba cùng vào nhà hội của người Giu-đa, và giảng một cách đến nỗi có rất nhiều người Giu-đa và người Gờ-réc tin theo.” Công vụ 14:1. Kinh thánh còn chép đây là nơi rất quen thuộc với Phao Lô trong Công 17:2 “Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện luận với họ,” Công vụ còn ghi chép có cả chủ Nhà Hội tin Chúa nữa “Bấy giờ Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà mình đều tin Chúa;”
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comments