Nhà thờ Mộ Thánh hay Nhà thờ Phục Sinh được cho là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá – đồi Sọ cũng là nơi Ngài được mai táng và đã sống lại sau 3 ngày. Nằm trong thành cổ Jerusalem, đây là nhà thờ Cơ Đốc giáo linh thiêng nhất trên thế giới. Công trình này đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng với các tín đồ từ thế kỷ IV.
Nhà thờ Mộ Thánh được xây dựng ở địa điểm của 5 chặng cuối cùng, trên đoạn đường Chúa chịu nạn mà người Công giáo gọi là chặng Đàng Thánh Giá, tổng cộng gồm có 14 chặng. Nhà thờ tọa lạc trong thành cổ Jerusalem, nằm chen chúc với những kiến trúc khác xung quanh.
Theo dòng chảy thời gian, Nhà thờ Mộ Thánh đã trải qua bao biến cố thăng trầm, tưởng chừng như bị phá hủy hoàn toàn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo một số tài liệu, những tín đồ Cơ Đốc giáo đầu tiên ở Jerusalem rất sùng bái nơi đây. Từ thời điểm Chúa phục sinh, họ dường như thường xuyên cử hành nghi lễ tại ngôi mộ Chúa Jesus, cho đến năm 66 sau Công nguyên, thành phố bị người La Mã xâm chiếm.
Thời điểm đó, Hoàng đế Hadrian đã san lấp nơi này và cho xây lên phía trên đó một nhà thờ ngoại giáo. Năm 326, Hoàng đế Constantine I đã cho phá dỡ đền thờ và cho xây dựng lại nhà thờ mới. Trong lúc đào đất nền, mẹ của hoàng đế - Thánh Helena, (được cho là) đã phát hiện ra Thánh giá thật gần ngôi mộ của Chúa.
Năm 614, người Ba Tư xâm chiếm Jerusalem, công trình này đã bị hỏa hoạn phá hủy và hư hại nghiêm trọng. Sau đó nhà thờ đã được phục hồi nhưng rồi bị phá hủy trong thời kì trị vì của người Hồi giáo những năm đầu thế kỷ XI. Năm 1099, đoàn quân Thập tự chinh tiến về Jerusalen chiếm lại Nhà thờ Mộ Thánh và các nhà thờ khác từ tay người Hồi giáo và tiến hành xây dựng lại nhà thờ.
Nhà thờ Mộ Thánh tiếp tục trải qua nhiều biến động từ tàn phá, xâm phạm, bỏ bê qua những thập kỷ tiếp theo. Những nỗ lực khôi phục và sữa chửa trong giai đoạn này có diễn ra nhưng không hiệu quả. Nhà nguyện trên ngôi mộ được cho là nơi Chúa Jesus được chôn cất và sống lại đã được xây dựng lại 4 lần, gần nhất là năm 1810. Khi chính quyền Anh cai trị Palestine từ năm 1947, những dầm sắt được đưa vào chống đỡ cho công trình hiện nay.
Nhà thờ Mộ Thánh được xem như là “tài sản chung” của các giáo phái khi quyền sở hữu được chia sẻ giữa Công giáo La Mã, Giáo hội Armenia và Chính thống giáo Hy Lạp.
Quyền sở hữu Nhà thờ Mộ Thánh được chia sẻ giữa Công giáo La Mã – khu nhà nguyện cho các tu sĩ dòng Franciscan và Nhà nguyện Phát hiện Thánh giá thật ở tầng ngầm. Giáo hội Armenia - khu Nhà nguyện Thánh Helena ở tầng ngầm và Chính thống giáo Hy Lạp - khu không gian thờ trung tâm. Ba cộng đồng Chính thống giáo nhỏ hơn như Coptic, Syria và Ethiopia có quyền sử dụng các khu vực nhất định trong khu này.
Từ thế kỉ XVIII, quyền sở hữu và sử dụng nhà thờ được quy định bởi Thỏa thuận Nguyên trạng. 6 giáo phái chia sẻ quyền giám hộ thỉnh thoàng lại có những tranh chấp liên quan tới lãnh thổ và trách nhiệm của họ tại nhà thờ, đôi khi còn dẫn tới bạo lực. Do sự thiếu tin cậy lẫn nhau giữa các giáo phái, nên chìa khóa nhà thờ được giao cho một gia đình Hồi giáo nhận trách nhiệm mở và đóng cửa nhà thờ, một “truyền thống” có từ thế kỉ XII.
Ngày nay, những khách hành hương từ khắp nói trên thế giới chen lấn, xếp hàng dài để chờ vào Nhà thờ Mộ Thánh, khiến cho công trình linh thiêng này thêm tình trạng hư hại và chậm tiến trình phục hồi sửa chữa. Các dự án phục hồi đã bị đình trệ trong hơn 50 năm do các giáo phái quản lý nhà thờ đã không đạt được những thỏa thuận về cách tiến hành tu sửa.
Mục vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
コメント