top of page
Tìm kiếm

PHÁT HIỆN QUẢ CÂN 3 000 NĂM TUỔI TỪ THỜI ĐỀN THỜ THỨ NHẤT TẠI JERUSALEM



Các nhà khảo cổ học ở Jerusalem vừa tìm thấy một quả cân bằng đá cực hiếm, bên trên khắc một từ cổ từng được nhắc trong Cựu Ước, nhiều khả năng tồn tại từ thời kỳ Ðền thờ thứ nhất.

Trong lúc làm việc gần Bức tường Than khóc ở thành cổ Jerusalem, một thành viên của dự án đãi đất tại khu vực khảo cổ mang tên Thành phố David đã tìm được một quả cân có khắc chữ “beka” cực hiếm. Dựa trên những kinh nghiệm trước đó, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng quả cân này từng được những người hành hương dùng để cân trả khoản thuế nửa đồng bạc shekel ( Siếc-lơ ) trước khi trèo lên Núi Đền.


Quả cân phục vụ cho việc nộp thuế


Từ trước đến nay, chỉ có vài quả cân đá tương tự từng được khai quật ở Jerusalem, theo nhà khảo cổ học Eli Shukron, giám đốc triển khai dự án theo yêu cầu của Cơ quan Cổ học Israel. Tuy nhiên, tờ The Times of Israel dẫn lời chuyên gia Shukron khẳng định, trước đây chưa từng phát hiện một quả cân nào có chữ khắc rõ ràng và đặc biệt đến thế. Quả cân beka được tìm thấy trong số đất mang về từ đợt khai quật năm 2013 bên dưới Vòm Robinson, vòm đá ở phía tây nam Núi Đền. Theo giám đốc dự án Shukron, đất được lấy từ con kênh thải nước bên dưới chân đế của Bức tường Than khóc.

Từ “beka” đã hai lần xuất hiện trong Ngũ Thư: lần đầu tiên là trọng lượng vàng của chiếc khuyên mũi được trao cho cô Rebecca trong Sách Sáng Thế ký 24:12, và sau đó trong Sách Xuất Hành là quả cân cho số vàng bạc được người Do Thái quyên góp để chi trả cho việc bảo trì Đền thờ và thống kê dân số. Cụ thể, Sách Xuất Hành 38:26 ( Bản công giáo ) : “Một beka cho mỗi đầu người; có nghĩa là nửa đồng shekel, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện; bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số từ hai mươi tuổi trở lên, tức là sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi người, đều phải đóng góp như vậy”.



Bên cạnh đó, chữ beka mới tìm được là ví dụ duy nhất từ trước đến nay về kiểu viết ngược, theo kiểu đối xứng trước một tấm gương, với các ký tự được khắc từ trái sang phải thay vì từ phải sang trái. Ví dụ, chữ “bet” trên bề mặt đá được viết ngược lại. “Đây không phải là chữ duy nhất bị viết ngược”, chuyên gia Shukron cho biết, và điều này cho phép ông đưa ra kết luận rằng nghệ nhân làm cân cũng là người chuyên khắc triện, vốn được viết theo kiểu phản chiếu ngược. Và không như vài trăm năm sau đó, vào thời điểm quả cân ra đời, không hề có đồng nửa shekel. Những người hành hương mang theo bạc và dùng cân beka lấy đúng số cần nộp thuế. Điểm cân bạc được cho là ngay dưới vị trí phát hiện được quả cân ở chân Núi Đền.


Theo thông cáo báo chí, khi thuế nửa đồng shekel được áp dụng trong giai đoạn của Đền thờ Thứ nhất, không hề có đồng xu nào cả, nên người thời đó dùng thỏi bạc. Để tính toán trọng lượng chính xác của thỏi bạc, họ đặt bạc vào một bên cân, bên còn lại cho vào quả cân beka. Quả cân beka có trọng lượng tương đương với đồng nửa shekel, và mỗi người từ 20 tuổi trở lên đều bị buộc phải mang theo khi đến Đền thờ. Và đồng shekel thời Kinh Thánh nặng 11,33g.


Mối liên kết 3.000 năm


Những đồng tiền đầu tiên chứa văn tự Do Thái cổ đều có chữ “beka”, với niên đại từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, theo một bài viết trên chuyên san Biblical Archaeology Review. Đồng beka được đúc dựa trên sự chấp thuận của người Ba Tư. Những đơn vị đo lường khác vào thời Kinh Thánh bao gồm kesitah, kikar (talent), shekel, beka, mina (maneh), gerah và pim. Có hẳn một hệ thống chung về trọng lượng, và 2 beka tương đương 1 shekel, trong khi 10 gerah bằng 1 beka. Chuyên gia Shukron không rõ có phải mọi quả cân bằng đá khắc chữ beka đều có trọng lượng như nhau hay không, nhưng điều mà ông chú ý hơn cả chính là vị trí của nơi tìm được quả cân mới, kế bên Đền thờ của vua Solomon.



“Đó là từ được dùng trong và ngoài phạm vi Kinh Thánh. Bạn không cần phải đặt ra nhiều câu hỏi, mà chỉ cần mở Kinh Thánh và sẽ thấy từ này”, theo ông Shukron. Và mọi manh mối như vị trí cổ vật được tìm thấy gần Đền Solomon, phía bắc thành phố David, bên dưới Núi Đền, tất cả đều liên kết với nhau, chuyên gia người Israel kết luận. Trong thời gian diễn ra lễ Hanukkah vào đầu tháng 12, quả cân beka sẽ được trưng bày trước công chúng tại phòng triển lãm ở Công viên Quốc gia Emek Tzurim. “Quả cân beka 3.000 năm tuổi, được khắc chữ Do Thái cổ nhiều khả năng được dùng trong giai đoạn Đền thờ Solomon, đã xuất hiện, và một lần nữa chứng tỏ mối liên kết sâu xa của người Do Thái tại mảnh đất này”, theo Doron Spielman, Phó Chủ tịch Quỹ thành phố David, đơn vị hỗ trợ tài chính cho dự án khảo cổ.


Mục vụ Do Thái.


Comments


bottom of page