Lựu, một loại trái cây cổ đại và là biểu tượng của người Do Thái. Đây là một trong những trái cây chủ đạo của Rosh Hashanah (đầu năm mới) của người Do Thái, lựu có trên trang sức, các đồ vật nghi lễ của người Do Thái và xuất hiện thường xuyên trong ẩm thực Do Thái.
Kinh Thánh cựu ước khi nhắc đến vùng đất thánh trong Phục truyền 8:8 có chép “xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật;” đây một trong bảy loại trái cây được ban phước của vùng đất này. Theo truyền thống Do Thái thì mỗi hạt lựu là một điều răn trong Kinh Thánh, và vì hình dạng của mỗi hạt trong một quả lựu mà nó được xem như những viên kim cương trên vương miện của Vua. Ngoài ra quả lựu còn tượng trưng cho khả năng sinh sản, tình yêu và sự chiến thắng.
Lựu cũng là loại quả được đặc biệt trang trí trên Ê-phót của thầy tế lễ thượng phẩm, hướng dẫn này được chép trong sách Xuất 28:31-35 “Ngươi cũng hãy may áo dài của ê-phót toàn bằng vải tím. Ở giữa áo có một lỗ tròng đầu vào; viền chung quanh, dệt như lỗ áo giáp mặt lưới, để cho khỏi tét. Nơi biên dưới hãy thắt trái lựu màu tím, đỏ điều, đỏ sặm, cùng chuông vàng nhỏ đương tréo nhau ở vòng theo viền, nghĩa là một cái chuông rồi kế một trái lựu, ở vòng khắp chung quanh viền áo. Khi A-rôn hầu việc tế lễ, sẽ mặc áo đó; và khi vào hay ra nơi thánh trước mặt Đức Giê-hô-va, người ta sẽ nghe tiếng chuông vàng nhỏ, và A-rôn khỏi chết vậy.” hướng dẫn này được nhắc lại trong Xuất 39:22-26. Ngày nay, tại các cuộn Kinh Thánh của người Do Thái Ashkenazi thường được trang trí có hình dạng giống như quả lựu và được gọi là rimonim, từ tiếng Do Thái có nghĩa là quả lựu.
Lựu là một trong những loại thực phẩm mang tính biểu tượng trong năm mới của người Do Thái. Đây là loại trái cây được Chúa tạo dựng với kiểu cách khác thường, bên ngoài bao bọc bởi một lớp màng đắng, bên trong là những hạt đỏ tươi ngọt ngào như những viên ngọc. Thông thường thì các loại trái cây khác người ta ăn thịt, phần mềm mại còn đối với lựu người ta thường ăn hạt. Đây là loại trái cây cũng rất khó ăn mà các giáo sĩ Do Thái cho rằng, lựu không có xác thịt mà chỉ có những phước lành, điều răn của Chúa là sự không ưa thích của xác thịt nhưng nếu làm nó thì sẽ có phước lành ở các điều răn. Vào các dịp lễ, trước khi ăn quả lựu, người Do Thái theo truyền thống sẽ nói “Cầu mong đời sống chúng ta sẽ thực hành mitzvot (các điều răn) như quả lựu chứa đầy hạt.” Người Do Thái tin rằng quả lựu có 613 hạt, tương ứng với 613 mitzvot (điều răn) có nguồn gốc từ Kinh thánh. Mặc dù điều này không thực sự đúng (số lượng hạt trong mỗi quả lựu rất khác nhau), nhưng họ tin rằng bởi điều đó mà mỗi một điều răn sẽ làm cho đời sống của mỗi người được thánh thiện như là những viên kim cương trên vương miện của vua.
Lựu đã được trồng ở Israel (và khắp Trung Đông) trong hàng nghìn năm, và chúng tiếp tục phát triển ở đó một cách phong phú. Vì vậy Kinh Thánh có nhắc đến lựu như là một các loại quả mà các thám tử đã mang về từ Đất Thánh như là loại quả tượng trưng cho vùng đất này “Các người đến khe Ếch-côn, cắt tại đó một nhành nho có một chùm nho; và hai người khiêng lấy bằng cây sào, luôn những trái lựu và trái vả.” Dân số ký 13: 33.
Ngày nay, khảo cổ cũng tìm thấy được những đồng tiền cổ của người Do Thái có trang trí hình quả lựu trên đó. Người ta cũng nói rằng quả lựu tượng trưng cho Israel - bề ngoài có vẻ hơi bặm trợn, nhưng tràn đầy phước lành cho người khác.
Nhã ca 4:3 khi miêu tả về vẻ đẹp của người nữ như vẻ đẹp của Hội Thánh Chúa thì có viết “Môi mình tợ sợi chỉ hồng, Miệng mình có duyên thay; Má mình trong lúp tợ như nửa quả lựu.” Chúng ta cũng thấy rằng những quả lựu đã được dùng để trang trí đền thờ của Sa-lô-môn - 400 quả trong số đó! Các cột trong ngôi đền được trang trí quả lựu như là lời tuyên bố về sự tốt lành và phước lành của Đức Chúa Trời cho dân giao ước của Ngài. Dù có thể bị vùi dập và bầm dập, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã mang những hạt giống phước hạnh to lớn đến thế giới qua chính lời của Đức Chúa Trời. Hơn thế, hạt giống tốt nhất, thánh thiện nhất – Jesus Đấng Mê-si, dòng dõi của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Vua của tất cả thế giới đã được ban cho loài người qua dân tộc này.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam
Comments