top of page
Tìm kiếm

SỨC MẠNH CỦA LỄ VƯỢT QUA – ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ GIẢI PHÓNG CHÚNG TA ĐỂ BƯỚC VÀO SỰ TỰ DO.



Vào ngày 15 tháng 04 năm 2022 là dịp mà các cơ đốc nhân trên toàn thế giới kỷ niệm Lễ Thương Khó nhằm nhắc nhớ đến sự chết của Chúa Jesus trên thập tự giá để cứu chuộc loài người. Cũng đúng vào ngày hôm đó, tại Do Thái, người Do Thái cũng bắt đầu tuần lễ kỷ niệm Lễ Vượt Qua, kỳ lễ trọng thể hằng năm của người Do Thái. Kỳ lễ mà Chúa đã truyền phải giữ “đời đời” và hằng năm mọi người nam đều phải ra mắt Chúa tại đây.

Phép lạ lớn thứ hai sau phép lạ tại đồi Gô-gô-tha có lẽ chính là phép lạ của Lễ Vượt Qua, đây là điều yêu thích của Đức Chúa Trời và Chúa thường nói về điều đó trong Kinh Thánh. Lễ Vượt Qua cũng nằm tháng bắt đầu của cả năm (Xuất Ê-díp-tô Ký 12: 2), thậm chí ý nghĩa của nó cũng nằm trong câu bắt đầu của mười điều răn, Chúa đã tự giới thiệu mình như thế này: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ.”. ( Xuất 20:2).


Trước thời điểm của Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời thường gọi mình là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham Isaac và Gia-cốp”, hay “TA LÀ” …Nhưng “Đấng đã đưa bạn ra khỏi Ai Cập” lại là điều mà Chúa tự gọi mình nhiều lần từ sách Xuất-ê-díp-tô-ký trở đi, theo nghĩa đen là hàng trăm lần. Càng đi sâu vào câu chuyện của Lễ Vượt Qua chúng ta càng khám phá ra rằng nó đầy vẻ đẹp phong phú, ý nghĩa và quyền năng…


Phép lạ Lễ Vượt qua được nhắc lại với sự ngạc nhiên trong suốt nhiều Thi thiên và Đức Chúa Trời coi Lễ Vượt qua là nền tảng của câu chuyện về Y-sơ-ra-ên.


Một trong những việc vào ngày đầu tiên của kỳ lễ Vượt Qua là người Do Thái là ăn bữa ăn Passover Seder ( Xuất 12:1-28). Bữa ăn Passover Seder là một trải nghiệm giảng dạy đa giác quan, do chính Đức Chúa Trời thiết lập, để ngăn chặn sự lãng quên của con người. Nó liên quan đến thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, và được thiết kế để dạy thế hệ này sang thế hệ khác về câu chuyện tuyệt vời, và giữ cho nó tồn tại trong ký ức của tập thể người Do Thái. Một trong những chiến lược tốt nhất của Satan là làm mờ trí nhớ của chúng ta. Nếu chúng ta nhớ những gì Đức Chúa Trời đã làm, những gì Ngài đã nói và Ngài là ai, chúng ta có thể đặt niềm tin vào Ngài hôm nay và tin cậy cho ngày mai.



Lễ kỷ niệm Vượt Qua cũng không thể thiếu “bốn chén rượu” như trong Tamud người Do Thái có nói “dù một người nghèo ở Do Thái cũng cần có 4 chén rượu trong dịp lễ Vượt Qua”. Trong các chén đó có một chén mang tên là chén “halle”, đó chính là “chén phước lành” mà I Cô-rinh-tô 10:16 đã từng nhắc. Đây cũng là chén mà Chúa Jesus đã ban cho các môn đồ để dự tiệc thánh.


Mỗi món ăn trên bàn của bữa ăn Passover Seder tượng trưng cho điều gì đó trong câu chuyện của Lễ Vượt Qua. Bánh không men matzah khô tượng trưng cho sự khô khan của chế độ nô lệ, phước lành của rượu, tượng trưng cho tự do. Người ta cũng thường tin rằng men đại diện cho tội lỗi, và đây là thời gian để loại bỏ tất cả men và mọi tội lỗi. Vị đắng của rau đắng nói lên nỗi khổ, vân vân. Mỗi khía cạnh của bữa ăn Passover Seder vào buổi tối giúp người Do Thái nhớ lại những phép lạ Chúa đã làm cho họ và thậm chí là sống lại chúng. Họ đã thực sự là sống lại câu chuyện và biến nó thành một phần của cuộc sống hôm nay… và hy vọng cho tương lai.


Chính bữa ăn nhẹ trong Lễ Vượt Qua này là bữa tối cuối cùng mà Chúa Jesus đã dùng bữa với các môn đồ, theo cách truyền thống của người Do Thái. Đó là bánh không men, bánh Vượt qua mà Chúa đã bẻ ra khi bảo các môn đồ “hãy làm điều này để nhớ đến ta”. Một trong bốn chén rượu mà Chúa ban cho các môn đồ và Chúa đã nói “Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta;”. Tiệc thánh chính là sự ghi nhớ của Chúa cho chúng ta về dòng huyết đã đổ ra để chúng ta nhận được sự tha thứ cũng là cách để cái chết “vượt qua” chúng ta. Về mọi mặt, Ngài là hiện thân và sự ứng nghiệm của câu chuyện Lễ Vượt Qua. Và chúng ta sẽ nhớ những gì Ngài đã làm cho chúng ta mỗi khi chúng ta ăn bánh và uống chén.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Comments


bottom of page