top of page
Tìm kiếm

THÁNH ĐƯỜNG CHÚA GIÁNG SINH TẠI BẾT LÊ HEM - NƠI CHÚA CỨU THẾ ĐÃ ĐƯỢC SINH RA.



Để bước vào Thánh Đường Chúa Giáng Sinh nơi đánh dấu sự Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Jesus đồng nghĩa với việc phải cúi mình thật thấp. Cửa duy nhất để có thể bước vào chỉ cao 1,2 mét, người ta gọi đây là “cửa khiêm nhường”, người ta phải cúi đầu thật thấp trước khi có thể bước vào nơi mà Chúa đã hạ mình để trở nên như con người.



Kinh Thánh có ghi chép về sự giáng sinh của Chúa Jesus được xảy ra như sau: Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. … Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ. Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình, đương có thai. Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở. Lu ca 2:1-7.


Bởi lệnh truyền kiểm tra dân số mà lời tiên tri trong Mi-chê 5:1 “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” Đã thành hiện thực khi Con Trời Giáng Thế tại Bết-lê-hem.


Tại nơi Chúa sinh ra, ngày nay chính là Vương cung thánh đường hoàn chỉnh, lâu đời nhất trong thế giới Cơ đốc giáo. Thánh đường này xây dựng bởi hoàng đế Justinian vào thế kỷ thứ 6. Nó thay thế cho nhà thờ ban đầu của Constantine Đại đế , được xây dựng trên hang động là nơi tôn kính nhất trên thế giới, là nơi sinh của Chúa Cứu Thế Jesus, và được cung hiến vào năm 339 sau Công nguyên.



Khối kiến ​​trúc là sự kết hợp của 2 nhà thờ với 1 tầng hầm bên dưới – Hang động Chúa Giáng sinh. Phần chính của nhà thờ Chúa giáng sinh được thiết kế theo phong cách của một nhà thờ La Mã, theo dạng cột Corinth, gồm 5 gian và một nơi cầu nguyện ở cuối phía đông. Nhà thờ được đặc trưng bởi các đồ trang trí khảm vàng xung quanh các bức tường.


Bên cạnh là nhà thờ của Thánh Catherine, được xây dựng theo phong cách Phục hưng khá hiện đại. Bên trong nhà thờ có bức phù điêu “Gia phả của Chúa Jesus” là tác phẩm được thực hiện bởi một nhà điêu khắc tôn giáo nổi tiếng. Công trình cao khoảng 3,75m đến 4m, phần chính là một cây ô liu với các nhánh mô tả gia phả của Chúa Jesus bắt đầu từ Áp-ra-ham cho đến Giô-sép theo đúng lịch sử Thánh Kinh. Theo bước chân của những người hành hương dẫn chúng ta đến Hang động Chúa Giáng sinh, là các bức phù điêu kể về những câu chuyện trong Cựu Ước. Phần trên cho thấy hình ảnh của Chúa Cứu Thế dang tay bảo vệ thế giới. Nhà thờ này là nơi tổ chức lễ vọng Giáng sinh hàng năm, do linh mục Jerusalem chủ trì.


Hang Giáng sinh là một hang động bên dưới thánh đường, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Vị trí chính xác được đánh dấu bằng một ngôi sao bạc 14 cánh ngay trên sàn đá cẩm thạch, trên 15 ngọn đèn (6 của Nhà thờ Chính thống, 5 của Kitô giáo, 4 của Giáo hội Rome). Một bàn thờ khác trong hang, được quản lý bởi nhà thờ La Mã, được cho là nơi Mẹ Ma-ria đặt Chúa Jesus vào trong máng cỏ.



Ngoài ra còn có nhiều nhà nguyện nhỏ xung quanh, như Nhà nguyện Thánh Joseph, Nhà nguyện Vô Tội, tưởng niệm các em bé bị giết bởi vua Herod và nhà nguyện của Thánh Jeroma, người đã dịch Kinh thánh sang tiếng Latinh.


Nhà thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem của Palestine là một trong những nhà thờ lâu đời nhất còn hoạt động trên thế giới. Khối kiến ​​trúc này được xây dựng tại một hang động được cho là nơi sinh của Chúa Giêsu, vì vậy nó được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất của các tín đồ Kitô giáo trên toàn thế giới.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.


Kommentare


bottom of page