top of page
Tìm kiếm

Thánh địa - vùng đất của Kinh thánh



Có lẽ trên trái đất này, không nơi nào được thần thánh hóa hơn khu vực Trung Đông, vùng đất này được gọi là Thánh địa với nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Tại khu vực này các tôn giáo chính tin rằng, ở đây trong không gian linh thiêng này Thượng đế tiến vào quan hệ với loài người.


Vùng đất này là tàn tích của các nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Vị trí chiến lược của nó , ở ngã ba của châu Phi, châu Á và châu Âu, làm cho nó trở thành một hành lang giữa Đông và Tây - và là miếng mồi ngon cho các đội quân chinh phục. Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, vùng đất này vẫn là điểm nóng trên thế giới. Nhiều máu đã đổ ra trên vùng đất thánh.


Ngày nay, vùng đất này vẫn là nơi căng thẳng thường xuyên giữa người Do Thái và người Ả Rập, và là nơi có địa hình tương phản cực độ - từ đất nông nghiệp màu mỡ đến sa mạc khô cằn.


Tại Thánh địa, nhiều những người hành hương đã đến để đi từ thời cổ đại cho đến thời hiện đại. Vùng đất thánh này, Kinh Thánh chính là cuốn sách hướng dẫn và là hướng dẫn viên du lịch. Mọi trải nghiệm của Kinh Thánh đều đến ở nơi đây, nơi hiện thực và cổ xưa xen lẫn với nhau.


ĐẤT THÁNH TRẢI DÀI TỪ AI CẬP CHO ĐẾN SYRIA


Thuật ngữ Thánh Địa bao gồm các địa điểm ở khu vực Trung Đông được đề cập trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.


Nó bao gồm:

• Israel và Palestine ( đây là nơi lưu giữ hầu hết các địa điểm thiêng liêng đối với người Do Thái và Cơ đốc giáo).

• Tây Jordan (nơi Môi-se nhìn thấy Đất Hứa trước khi chết và là nơi Chúa Giê - su Christ đã làm báp têm,…).

• Bán đảo Sinai ở Ai Cập (nơi dân Do Thái đã lưu lạc trong 40 năm…).

• Nam Syria (nơi tiên tri Ê-li ở và là nơi Phao lô tin Chúa…).


Đây là vùng đất được Đức Chúa Trời mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3: 8 là “một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật,”.


Trung tâm của Đất Thánh là đất nước Israel. Đây là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới , với diện tích rất nhỏ so với các nước khác. Israel có kích thước bằng New Jersey hoặc Wales, và có diện tích khoảng bằng một phần ba kích thước của Sri Lanka hoặc Tasmania.


Xung quanh Israel ở ba phía là các quốc gia Hồi giáo , tất cả đều lớn hơn nhiều. Trong lịch sử chiến tranh thế giới hiện đại, đất nước này đã nhiều lần bị các quốc gia Hồi Giáo xung quanh xâm chiếm nhưng đất nước này đã chiến đấu và chiến thắng cách kỳ lạ. Thánh địa Do Thái còn là nơi ghi dấu chân và địa danh của nhiều những kẻ chinh phục trong quá khứ - trong số đó có người Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Thập tự chinh , Mamluks, Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và người Anh.


THÁNH ĐỊA CỦA BỐN ĐỨC TIN HAY BỐN TÔN GIÁO LỚN


Khái niệm về một vùng đất thánh trở nên có ý nghĩa to lớn đối với cả Do Thái giáo sơ khai và Cơ đốc giáo sơ khai. Tuy nhiên, cụm từ “ Đất thánh ” xuất hiện lần đầu trong Kinh thánh trong sách Xa-cha-ri 12:2 “ Đức Giê-hô-va sẽ được Giu-đa làm phần sản nghiệp Ngài trong đất thánh, và Ngài sẽ còn kén chọn Giê-ru-sa-lem.”


Điều gì đã làm cho đất thánh? Theo học giả Kinh thánh và nhà khảo cổ học Jerome Murphy-O'Connor, thì điều này xảy ra với người Do Thái khi Hòm Giao ước được rước vào nơi chí thánh trong Đền thờ tại Jerusalem và "vinh quang của Chúa tràn ngập nhà Chúa" (1 Các Vua 8:10). Từ Ai Cập đến Syria, đó cũng là nơi sinh sống và chôn cất các ông tổ đức tin, các vị vua, các nhà thông, tiên tri của các tôn giáo lớn


Đối với những người theo đạo Thiên Chúa , Thánh địa là nơi Chúa Giêsu đã sống, rao truyền Tin Mừng , làm phép lạ, bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết. Ngay từ ban đầu, những người tin Chúa Giê-su đã tôn kính những địa điểm gắn liền với Ngài, nơi Chúa sống, thi hành chức vụ và hoàn thành sứ mệnh trên đất.


Đối với người Hồi giáo , họ tôn sùng Jerusalem như một thánh địa vì đây là nơi họ tin rằng Muhammad , đã hướng về phía Jerusalem để cầu nguyện và nhận được chỉ dẫn để quay về phía Mecca. Ông gọi Jerusalem là “Thành phố Thánh”. Người Hồi giáo tin rằng Muhammad đã đến thăm tảng đá Núi Đền trong chuyến hành trình ban đêm trên con chiến mã có cánh al-Burak vào năm 620.


Những người theo một tôn giáo độc thần khác, đạo Bahá'í , thì địa điểm linh thiêng nhất của họ nằm ở Haifa, Israel. Đền thờ Bab có mái vòm bằng vàng nằm trên sườn đồi của những khu vườn bậc thang.


THÁNH ĐỊA VÌ LÀ NƠI ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG BỞI NHỮNG NGƯỜI THÁNH


Có một lý do khác cho sự linh thiêng của Đất Thánh - bởi vì những người thánh vẫn sống trong đó.


Như học giả Kinh thánh Leslie J. Hoppe đã nói: “Đất Thánh là quê hương của những người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo chân thành tin tưởng, những người đang cố gắng sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời khi họ hiểu về nó. Không phải lúc nào những người này cũng dễ dàng tuân theo sự chỉ dẫn của lương tâm, nhưng họ vẫn cố gắng sống trung thành và truyền lại truyền thống tôn giáo của họ cho thế hệ sau.


“Những người đến 'Thánh địa' và chỉ viếng thăm các đền thờ hoặc di tích lịch sử không cảm nhận được toàn bộ sự linh thiêng của vùng đất này. Không có cuộc hành hương nào là hoàn thành trừ khi những người hành hương đến với sự hiểu biết và đánh giá cao hơn về các tôn giáo sống động của 'Đất Thánh': Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo . . . .


“Đặc biệt, những người hành hương Cơ đốc nên dành thời gian làm quen với Giáo hội địa phương. Họ sẽ được nghe những người theo đạo Cơ đốc của Thánh địa làm chứng cho đức tin của họ và nói lên hy vọng của họ. Họ nên học về những cách thực tế mà Giáo hội địa phương này sống theo Phúc âm, và họ nên khuyến khích anh em đồng đạo của mình trung thành với sự cam kết của họ với Đấng Christ. ”


Những người theo đạo Thiên chúa ở Thánh địa hiện đang sống trong một thế giới chủ yếu là Do Thái-Hồi giáo . Ở Israel, họ chỉ chiếm chưa đến 2% dân số. Khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị và phân biệt đối xử đã khiến các tín đồ Cơ đốc giáo phải di cư, đặc biệt là từ Palestine .


Nơi sinh của Chúa Giê-su Christ là Bethlehem , từng là một thị trấn Cơ đốc giáo, giờ hầu hết là người Hồi giáo. Có nhiều Cơ đốc nhân từ Bethlehem lại sang sống ở Santiago, Chile, hơn ở Bethlehem.


Dầu thế nào đi nữa, cho đến ngày cuối cùng của thế giới này, thánh địa này vẫn là trung tâm của thế giới và là nơi xảy ra mọi sự kiện sau cùng của thế giới này.


Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam


Comments


bottom of page