top of page
Tìm kiếm

TẠI SAO LẠI LÀ SÔ-ĐÔM VÀ GÔ-MÔ-RƠ HAY CHÌA KHÓA NẰM TRONG NHỮNG CÁI TÊN.


 

Vào thời cổ đại, một trận hủy diệt kinh hoàng đã giáng xuống các thành phố là Sô-đôm (Sodom), Gô-mô-rơ (Amorah; Gomorrah), Át-ma (Admah) và Xê-bô-im (Tzevayim) trừ ra thành phố thứ năm nhỏ hơn, Xoa (Tzohar).

 

Sáng thế ký 19:24-25 chép “Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy diệt hai thành nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó.”

 

Kinh sách Do Thái cho rằng “cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó” chính là nói đến tất cả bốn thành phố như cách mà Môi-se đã nói trong Phục truyền luật lệ ký 29:22 . “… giống như sự hủy hoại của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Át-ma và Sê-bô-im bị Đức Giê-hô-va phá diệt trong cơn thạnh nộ Ngài,”. 

 

Tuy nhiên, Sáng thế ký 19:24-25 chỉ rõ ràng rằng lửa và diêm sinh chỉ đổ xuống hai trong số bốn thành phố — Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Tại sao lại có các mức độ trừng phạt khác nhau?  Tại sao chỉ có hai thành phố bị đốt cháy?

 

CHÌA KHÓA NẰM TRONG NHỮNG CÁI TÊN.

 

Kinh Thánh sách Sáng thế ký 14:1-2 đã liệt kê các tên của “Bốn vị Vua” và “Năm vị Vua” như sau : Trong đời Am-ra-phên, vua Si-nê-a; A-ri-óc, vua Ê-la-sa; Kết-rô-Lao-me, vua Ê-lam, và Ti-đanh, vua Gô-im, bốn vua hiệp lại tranh chiến cùng BÊ-RA, vua SÔ-ĐÔM; BI-RÊ-SA, vua GÔ-MÔ-RƠ; SI-NÊ-ÁP, vua ÁT-MA; SÊ-MÊ-BÊ, vua XÊ-BÔ-IM, và vua BÊ-LA, tức là XOA.

 

Kinh Midrash ( Tanchuma, Lech Lecha 8) của người Do Thái giải thích ý nghĩa các tên của các vị Vua có các thành bị trừng phạt như sau:

 

BÊ-RA (Bera), vua SÔ-ĐÔM có nghĩa là “Chống lại Thiên Chúa và tàn ác với con người”

 

BI-RÊ-SA (Birsha), vua GÔ-MÔ-RƠ cũng có ý nghĩa “Chống lại Thiên Chúa và tàn ác với con người” nhưng còn có ý nghĩa “Ông ấy nổi bật trong sự gian ác của mình.”

 

SI-NÊ-ÁP (Shineav), vua ÁT-MA là từ viết tắt của việc “Thù ghét Cha trên trời”

 

SÊ-MÊ-BÊ “Shemever”, vua XÊ-BÔ-IM có nghĩa “gia tăng chống lại Đức Chúa Trời.”

 

Có thể nhìn thấy, tất cả các cái tên của bốn vị vua bị trừng phạt đều đề cập đến việc họ thù ghét và chống lại Chúa. Nhưng có thể thấy rõ hai vua của Sô-đôm và Gô-mô-rơ ngoài chống Chúa thì họ còn chống lại loài người. Chính bởi điều đó mà vào thời điểm Chúa quyết định số phận của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Sáng thế ký 18:20-21 chép “TIẾNG KÊU OAN về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta muốn ngự xuống, để xem xét chúng nó ăn ở có thật như TIẾNG ĐÃ KÊU THẤU ĐẾN TA chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết.” Đây chính là tiếng kêu của con người thấu đến Chúa.

 

Do đó, đây là chính là chìa khóa để hiểu được số phận khác nhau của các thành phố. Các cư dân của Sô-đôm và Gô-mô-rơ không chỉ phạm tội chống lại Đấng toàn năng, mà còn phạm tội ác chống lại đồng loại của họ. Chúng ta có thể thấy rõ thêm điều này trong câu chuyện thiên sứ của Chúa đến thăm Lót tại thành Sô-đôm trong Sáng thế ký 19:1-10.

 

Bởi điều đó mà tiên tri Ê-xê-chi-ên khi nói nghịch cùng dân sự vì không quan tâm đến đến những người dễ bị tổn thương, ông so sánh họ với người Sodomites trong Ê-xê-chi-ên 16:49 “Nầy, đây là sự gian ác của em gái mầy là Sô-đôm và các con gái nó: ở kiêu ngạo, ăn bánh no nê, và ở nể cách sung sướng; nó lại không bổ sức cho tay kẻ nghèo nàn và thiếu thốn.”

 

Và dựa trên tên của vị vua của họ, chúng ta có thể thấy được việc họ đối đãi với đồng loại là một điều quan trọng để Chúa xem xét quyết định của mình.

 

Khi con người xây dựng tháp Ba-bên để thách thức Đức Chúa Trời thì Ngài chỉ đơn thuần làm cho họ phân rẽ ra bởi nhiều thứ tiếng. Nhưng Chúa đã trừng phạt nặng hơn ở tại Sô-đôm và Gô-mô-rơ khi mà con người cư xử tàn ác với nhau. Cách đối đãi với đồng loại các tàn ác làm xói mòn chính cốt lõi của nền văn minh và nó mâu thuẫn với toàn bộ mục đích sáng tạo của Đức Chúa Trời.

 

Trong khi cả bốn thành phố đều phạm phải những tội lỗi không thể chịu nổi và bị hủy diệt, thì chỉ có Sô-đôm và Gô-mô-rơ là bị đốt cháy hủy diệt hoàn toàn. Đây là số phận của những nơi mà mọi người đã đối xử với nhau bằng sự nhẫn tâm và thù hận. Sô-đôm trở thành một từ để chỉ cái ác, không chỉ vì cách cư dân của nó đối với Đức Chúa Trời, mà còn vì cách đối xử mà cư dân của nó đối xử với những người khác xung quanh.

 

Không có tội lỗi nào là tốt, nhưng tội lỗi với chính những người lân cận của chúng ta là điều tồi tệ nhất. Đấng Toàn Năng sẽ tử tế hơn rất nhiều đối với những người không tôn trọng Ngài, miễn là họ tôn trọng đồng loại của mình.

 

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam

 

 

bottom of page