top of page
Tìm kiếm

TẠI SAO TÔI PHẢI CẦU NGUYỆN CHO Y-SƠ-RA-ÊN?



Jnews - Tại sao cả thế giới, trong đó có tín hữu Việt Nam đã và đang hướng lòng về Chúa khẩn thiết cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên/Israel? Thi Thiên 122:6 cho biết con dân Chúa cần cầu nguyện cho Israel và Jerusalem, việc này không chỉ làm Chúa đẹp lòng mà còn là mạng lệnh: “Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem; Nguyện người nào yêu mến ngươi sẽ được thịnh vượng”.


Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Đức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy” (Rô-ma 11:1). Bởi tuyển dân Israel với Hội Thánh Chúa khắp thế giới liên quan chặt chẽ đến chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời.


* Cầu nguyện, chúc phước cho Israel để được phước!

Trong Kinh Thánh, rất nhiều lần Đức Chúa Trời lặp đi lặp lại rằng Ngài sẽ ban phước cho những người chúc phước Israel, và nguyền rủa những kẻ rủa sả tuyển dân Ngài (Sáng Thế Ký 12:3). Còn Jerusalem là trái tim của Israel, cũng là trái tim của Chúa. Tóm lại, những ai cầu hòa bình, thịnh vượng cho Israel/Jerusalem cũng sẽ được bình an, thịnh vượng.


Nhiều người vẫn cho rằng người Do Thái đã giết Chúa Jesus, nên họ đáng bị rủa sả, trừng phạt, và thờ ơ trước những khó khăn, thách thức mà họ phải đối đầu trước các lực lượng Hồi giáo cực đoan luôn tìm cách tiêu diệt họ; ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng bác bỏ chủ quyền lãnh thổ hiện nay của họ. Ngoài ra, “Thần học thay thế” cho rằng Chúa đã tước bỏ địa vị tuyển dân của họ mà trao cho Hội Thánh, nên nhiều Giáo hội, Hội Thánh ở Âu, Mỹ... có thái độ không thân thiện, thậm chí thù nghịch với người Do Thái.


* Tuyển dân trong chương trình cứu chuộc của Chúa

Thực tế, con người không có quyền đoán xét tuyển dân và công việc của Chúa. Chính Chúa Jesus phán: “Sở dĩ Cha yêu thương Ta, là vì Ta hy sinh mạng sống mình để được nhận lại. Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hy sinh. Ta có quyền hy sinh mạng sống và có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh nầy từ nơi Cha Ta” (Giăng 10:17-18).


Không có tuyển dân Israel thì không có Chúa Jesus làm của lễ chuộc tội, không có chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, và dĩ nhiên cũng không có Hội Thánh. Do vậy, Cơ đốc nhân cần cầu nguyện cho Israel và vai trò tuyển dân trong chương trình cứu chuộc của Ngài; về lời hứa thăm viếng, phục hồi họ và thánh địa Jerusalem.


* Trách nhiệm của Hội Thánh với tuyển dân

Con cái Chúa và Hội Thánh không bao giờ trở nên xa lạ hay thù nghịch với Israel. Trong Rô-ma 11, Phao-lô nói rõ Chúa dùng sự vô tín của tuyển dân để cứu dân ngoại. Ông so sánh tuyển dân như cây ô-liu mà gốc là Chúa; còn ‘dân mới’ sẽ được tháp vào những chỗ bị cắt đi (Rô-ma 11:12-22)…


Ngoài ra, không phải tất cả dân Israel đều chối bỏ Chúa (11:3-10). Đức Chúa Trời luôn giữ lời hứa (11:28-29), không bao giờ từ bỏ dân Ngài (11:2). Cho đến thời điểm “dân ngoại gia nhập đầy đủ” (11:23-29), Chúa sẽ “tháp” các nhánh ô-liu lạ vào cây, và sẽ phục hồi địa vị của họ (11:30-32).


Vậy nên, Cơ đốc nhân Việt Nam cần hòa lòng cùng con cái Chúa khắp nơi kết nối, gìn giữ mối quan hệ thông công mật thiết với Israel, xóa bỏ, vô hiệu hóa “Thần học thay thế” - một học thuyết của satan - hiểu rõ những biến chuyển hiện nay trên thế giới liên quan đến Israel và cùng thức canh, cầu nguyện cho họ, với họ.


* Yêu thương, hiệp một cùng Israel

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “Nguyện sự bình an giáng trên Y-sơ-ra-ên” (Thi Thiên 125:5b; 128:6b). Đó có thể hiểu như một lời chúc chia tay dành cho con cái Chúa. Jerusalem là hình ảnh chắc chắn trong ngày Đấng Christ trở lại (Công vụ 1:11, Xa-cha-ri 14: 4), lập nền hòa bình bền vững cho thế gian. Chúng ta háo hức chờ đợi sự trở lại của Chúa và cầu nguyện cho thời điểm Vua Hòa bình, Chúa Bình an sẽ trở lại trị vì Jerusalem.


Chúa Jesus dặn chúng ta tinh thần hòa hợp, hòa giải, chuyên tâm cầu nguyện cho hòa bình cả khu vực Trung đông, dãy Gaza, nhất là Israel và Jerusalem. “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Matthew/Ma-thi-ơ 5:9).


Chúa muốn tuyển dân Israel thấy được ơn phước và sự cứu chuộc lớn lạ của Ngài dành cho dân ngoại, để họ càng ý thức địa vị mà “ganh đua” với dân ngoại trong đức tin và mối thông công với Chúa (11:11).


Phao-lô lần nữa nhắc nhở chúng ta: “Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chân dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ”. Nguyện Đức Thánh Linh cảm động chúng ta luôn tỉnh thức cầu nguyện cho Israel, Jerusalem cũng như cho chính mình, cho đất nước, dân tộc mình. Amen!

---

tổng hợp


Comments


bottom of page