top of page
Tìm kiếm

TẤT CẢ CÁC KỲ LỄ HỘI TRONG KINH THÁNH ĐỀU HƯỚNG ĐẾN CHÚA JESUS.



 

Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Ngài: Hãy ăn tiệc! Nghỉ ngơi một lát! Chúa đã biến các lễ hội trở thành một phần của Luật Pháp. Các kỳ lễ không chỉ chỉ ăn uống và vui vẻ nhưng hơn hết các kỳ lễ  còn mang nhiều ý nghĩa tiên tri sâu sắc cùng bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời. Bằng những cách khéo léo, Chúa đã tạo ra những lời nhắc nhở mang tính trải nghiệm, thú vị về các mốc quan trọng trong hành trình cứu chuộc và tất cả nó đều hướng đến Chúa Jesus Christ.

 

Từ “lễ” trong tiếng Hebrew là moed (מועד), dựa trên một từ gốc là יעד có nghĩa là “thời gian đã định”, hay “lễ hội định sẵn”. Ngoài ra từ này còn mang ý nghĩa về “số phận” hay dùng để nói về “sự vĩnh cửu” và đôi khi được dùng với nghĩa là “cho đến khi”. Từ “lễ” trong tiếng Do Thái còn liên quan đến từ עד có nghĩa là “nhân chứng”. 

 

Vì vậy, khi dùng các nghĩa của tù “lễ” moed (מועד) với nhau ta thấy : Lễ hội là sự làm chứng về những gì sẽ xảy ra của số phận đã được định trước trong tương lai vĩnh cửu phía trước.

 

Ngoài ra, có các từ bằng tiếng Hebrew cho “lễ” là Mikra (מקרא) và Atsera (עצרה). Mikra (מקרא) thường được dịch là “sự kết hợp thần thánh”, và nó có nghĩa là “gọi mọi người lại với nhau”. Đây cũng là một trong những từ mà mọi người sử dụng cho từ “Kinh thánh”, trong tiếng Do Thái vì nó liên quan đến từ dùng để đọc cũng như gọi. 

 

Từ thứ hai cho “lễ” trong tiếng Hebrew là Atsera (עצרה), từ này thường được dịch là sự “hội họp trọng thể”, và còn có nghĩa là “dừng lại”. Chúng ta có thể nhìn thấy từ này ngày nay trên xe buýt tại Israel, nhằm cho biết điểm dừng tiếp theo là ở đâu. Từ này là thông báo liên quan đến việc ngừng hoạt động hay giới hạn nào đó.

 

Rõ ràng Kinh Thánh cho thấy các “lễ hội trọng thể” là lúc mọi người “dừng lại” để “cùng với nhau” gắn bó với Chúa.  Lê-vi Ký 23 cho chúng ta một bản tóm tắt về tất cả các lễ này mà Đức Chúa Trời đã thiết lập và truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ. Tất cả đều vô cùng phong phú với ý nghĩa tiên tri và mọi kỳ lễ đều dẫn đến Đấng Mesia là chính Chúa Jesus Christ

 

Ngày Shabbat; người Do Thái tin rằng cũng như Chúa tạo dựng thế giới trong 6 ngày và nghỉ ngơi hoàn toàn vào ngày thứ bảy thì thế giới chúng ta sẽ tồn tại trong 6 ngàn năm và ngàn năm thứ bảy sẽ là ngàn năm “nghỉ ngơi hoàn toàn” khỏi sự vất vả. Cũng vậy, chỉ trong Chúa Jesus chúng ta mới có thể bước vào sự yên nghỉ hoàn hảo với Đức Chúa Trời với Ngài và đó là lúc Chúa Jesus cai trị thế giới này.

 

LỄ HỘI MÙA XUÂN bao gồm Lễ Vượt Qua và lễ các tuần lễ (lễ ngũ tuần).

 

Lễ vượt qua là hình ảnh của Chúa Jesus, như là chiên con được dâng lên, đổ huyết ra để chuộc tội cho loài người, đưa con người “xuất hành” ra khỏi sự nô lệ của tội lỗi mà bước vào vương quốc của Chúa.

 

Lễ mùa màng hay lễ các tuần lễ là Lễ Ngũ Tuần là thời điểm Đức Chúa Trời tuôn đổ Đức Thánh Linh của Ngài trên các tín đồ, ban cho họ quyền năng của Ngài để sống một cuộc sống mới trong Đấng Mê-si và đưa Tin Lành đi khắp thế giới. Shavuot làm chứng về việc quy tụ và đưa dân ngoại vào Giao ước mới. Vào kỳ lễ mà người Do Thái dâng lên hoa quả đầu mùa thì ba ngàn người tin nhận Chúa như là những bó lúa đầu mùa trong kỳ tuôn đổ của Thánh Linh.

 

LỄ HỘI MÙA THU

 

Mùa lễ hội mùa thu bắt đầu với Lễ Thổi Kèn còn được gọi là Yom Teruah trong tiếng Do Thái, đây như là sự báo hiệu của ngày Chúa Jesus sẽ tái lâm với tiếng kèn lớn.

 

Mười ngày sau, vào ngày thứ mười của tháng bảy, chúng ta có Yom Kippur - Ngày của sự chuộc tội. Số mười biểu thị tuyên bố của Đức Chúa Trời về sự vâng lời hoàn hảo (10 điều răn).  Yom Kippur, là ngày duy nhất trong năm mà thầy tế lễ thượng phẩm được vào trong nơi Chí Thánh thì Chúa Jesus; thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta, đã dọn đường để cho chúng ta được bước vào qua huyết Chúa. Yom Kippur chỉ về Ngày Phán xét, ngày vĩ đại và khủng khiếp của Chúa.

 

Vào ngày thứ 15 kế tiếp sau Lễ Thổi Kèn, lễ cuối cùng trong Lễ Hội Mùa thu là Lễ Lều tạm, hay Sukkot như chúng ta gọi trong tiếng Do Thái. Lễ này còn có tên là lễ mùa gặt vì nó diễn ra vào kỳ thu hoạch lúa mì cuối năm. Đây là hình ảnh của vụ mùa cuối cùng trước khi Chúa Jesus đến; hình ảnh của những lều tạm cũng là hình ảnh của tiệc cưới chiên con vào những ngày cuối cùng trong tương lai.

 

Người Do Thái bởi vì không nhận biết được nên đã bỏ lỡ thời điểm Chúa Jesus đến vào thế kỷ thứ nhất. Còn chúng ta ngày nay, chúng ta có thể học được gì từ người Do Thái và từ tất cả các “kỳ lễ” trong Kinh Thánh để biết về những gì sẽ xảy đến trong tương lai? 

 

Nguyện xin Chúa soi dẫn để chúng ta có thể nhận biết được ý chỉ của Chúa trong những gì đang diễn ra trên thế giới ngày hôm nay.

 

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.

 

ความคิดเห็น


bottom of page