top of page
Tìm kiếm

Sự Bí Ẩn Của Người Do Thái




Có một thời điểm mà mọi người là ngoại giáo và hầu như mọi xã hội loài người thời ấy đã từng thực hành hiến tế người sống, thường xuyên giết những trẻ em vô dụng (không có khả năng sản xuất ra của cải vật chất), bị bệnh và tàn tật. Sở hữu và buôn bán phụ nữ, trẻ em. Họ nhìn cuộc sống là một sự nỗ lực vô nghĩa. Trong thế giới đó, bạn có tin vào điều gì đó khác biệt?

Trong thế giới tăm tối đó, có một người đàn ông đã đưa ra một kết luận khác. Người đàn ông này đã chọn một con đường khác. Cuộc hành trình của ông đi đến hướng khác. Ông đã khám phá ra và đi theo MỘT THIÊN CHÚA và sống theo nguyên tắc thiêng liêng của Ngài. Chỉ có duy nhất một người đàn ông đó và tên của ông là Abraham và THIÊN CHÚA đã lập Giao ước với ông.

Trích dẫn từ Thomas Cahill trong tác phẩm “The gifts of the Jews – Những món quà tặng của người Do Thái”: Nếu chúng ta sống vào thiên niên kỷ thứ 2 trước CN – Thiên niên kỷ của Abraham, và có thể thảo luận với tất cả các dân tộc trên mặt đất, họ sẽ nói gì về chuyến hành trình của Abraham? Tất cả mọi người, từ châu Phi đến châu Âu, họ sẽ cười vì sự điên rồ của Abraham và chỉ tay lên trên bầu trời và nói rằng, sự sống trên trái đất đã được sắp đặt bởi Đấng Vĩnh Hằng và con người không thể nào thoát khỏi số phận. Người Ai Cập cười lắc đầu và không tin vào điều đó, người Hy Lạp sơ khai có thể sẽ kể câu chuyện Prometheus cho Abraham rằng, đừng vượt qua giới hạn và hãy bỏ cuộc đi (họ sẽ khuyên như vậy). Ở Ấn Độ, họ sẽ nói với Abraham rằng thời gian thì đen, phi lý và tàn nhẫn. Ở bất cứ lục địa nào, bất cứ xã hội nào, Abraham sẽ nhận được những lời khuyên như nhau. Những người đàn ông khôn ngoan như Heraclitus, Lão Tử và Phật Thích Ca Mâu Ni… vào một ngày nào đó, dạy dỗ đệ tử của họ rằng: Đừng đi phiêu lưu (đi hành trình) nhưng hãy hòa hợp bản thân với dòng chảy của sự sống, thiền định trên dòng chảy liên tục và vô nghĩa này.

Abraham là người đàn ông đi theo một con đường hoàn toàn khác biệt và từ người đàn ông này đã phát triển thành một dân tộc hoàn toàn khác biệt, không giống bất kỳ dân tộc nào khác. Dân tộc đó đã vượt qua con đường của những nền văn minh vĩ đại trong lịch sử. Lịch sử của dân tộc này không giống bất cứ dân tộc nào cả, có ảnh hưởng tới nhân loại đến nỗi không thể đếm được và họ được cả thế giới biết đến với tên gọi đơn giản là Do Thái.

Hơn 3300 năm trước, một sự kiện chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử loài người, cả dân tộc này đều chứng kiến và làm chứng cho Sự Mặc Khải Thiêng Liêng. Ở núi Sinai, sự trao ban kinh Torah và 10 Điều Răn, 5 quyển sách của Moses từ Thiên Chúa cho dân tộc Do Thái và thông qua họ, cả thế giới đều biết đến sự kiến vĩ đại này.

Những gì đã xảy ra ở núi Sinai đã thay đổi thế giới vĩnh viễn. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người được trao cho Chiếc La Bàn Thiêng Liêng của đạo đức, một sự hướng dẫn hoàn hảo để có cuộc sống tốt nhất, để hoàn thiện bản thân và thế giới. Trong thế giới cổ đại, hướng Đông của Vùng Trăng Lưỡi Liềm màu mỡ, hay còn được biết đến là cái nôi của nền văn minh, chính là vùng Đất Thánh – Vùng đất của Israel. Tại nơi đây, qua hàng thế kỷ, người Do Thái đã từng phát triển mạnh mẽ và đã từng sống trong hòa bình. Tuy nhiên, sau đó, bởi vì họ đã không sống theo Lời Giao Ước Thiêng Liêng, người Do Thái phải đối mặt liên tục với sự tàn phá này đến sự hủy diệt khác trong bàn tay kẻ thù của họ. Đầu tiên là người Babylon, tiếp theo là người Ba Tư, rồi người Hy Lạp và cuối cùng là người La Mã. Người La Mã đã đã trút cơn giận dữ của họ bằng cách bắt người Do Thái đi lưu đày và ly tán khắp nơi.

Hơn 2500 năm qua, người Do Thái đã chịu đựng nhiều cuộc hành hạ, bị tra tấn và bị tàn sát, nhà thờ Do Thái bị đốt cháy, phụ nữ Do Thái bị hãm hiếp, sách Do Thái bị phá hoại, thiêu hủy. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, vì lòng ghen tị, rất nhiều người đã đổ thừa các tệ nạn của bản thân họ lên người Do Thái, xem họ như là một con dê tế thần, chỉ bởi vì người Do Thái đã đứng lên và tiếp tục đứng lên cho tiêu chuẩn đạo đức chân lý tuyệt đối đến từ đức tin vào MỘT THIÊN CHÚA và sự thánh thiện cho mục đích sống của loài người. Người Do Thái phải đối mặt và tiếp tục đối mặt với sức mạnh phá hoại của Ma Quỷ đến từ Chủ Nghĩa Bài Do Thái.

Trích dẫn từ Thủ tướng Anh David Lloyd George (1916 – 1922): Trong tất cả sự cuồng tín cực đoan mà mang tính chất tàn phá trong bản chất tự nhiên của con người không có gì phi lý như Chủ Nghĩa Bài Do Thái. Không có ví dụ nào về điều này rõ hơn, đáng thuyết phục hơn là sự xấu xa của một người đàn ông – Kẻ Đổ Thừa sự thất bại của ông và đàn em, lên người Do Thái, kẻ đó chính là Adolf Hitler. Ông ta nói rằng: “Đấng Tạo Hóa đã chỉ định rằng Tôi nên là người giải phóng vĩ đại nhất của toàn nhân loại. Tôi đang giải phóng loài người thoát khỏi một tầm nhìn sai lầm được gọi là lương tâm và đạo đức. Mười Điều Răn đó mất đi giá trị của nó, lương tâm là một phát minh của người Do Thái, nó là một thứ ô uế. Cú đánh nặng nhất lên nhân loại là Cơ Đốc giáo, Bolshevism là con ngoài giá thú của Cơ Đốc giáo. Cả hai đều là phát minh của người Do Thái, cuộc đấu tranh để thống trị thế giới là giữa Tôi và bọn Do Thái, và tất cả thứ khác còn lại là vô nghĩa…”.

Trong cuộc lưu vong đầu tiên vào năm 586 trước CN, người Do Thái bị phân tán khắp nơi như râu trong gió “Đức Giê-hô-va sẽ phân tán các ngươi giữa mọi dân tộc, từ đầu này trái đất cho đến đầu kia” (Phục truyền Luật lệ ký 28:64). Họ đã bị đuổi ra khỏi nhà cửa của mình, từ quốc gia này đến quốc gia khác, mặc dù bị hành hạ và bị tổn thương bởi cuộc diệt chủng Holocaust, họ vẫn gìn giữ đức tin không lay chuyển và niềm tin vào Thiên Chúa, Kinh Thánh Torah của Ngài. Một điều đáng chú ý đã xảy ra, người Do Thái không chỉ tồn tại họ đã nhưng thịnh vượng và làm thay đổi thế giới.

Trích dẫn từ Paul Johnson, tác giả cuốn “Lịch sử Do Thái” và “Lịch sử Cơ Đốc giáo”: Điều ấy vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta về một thế giới như thế nào, nếu họ (Do Thái) chưa bao giờ xuất hiện, chắc chắn rằng thế giới không có người Do Thái sẽ là một nơi hoàn toàn khác biệt. Nhân loại sau cùng có thể có những hiểu biết về Do Thái, nhưng chúng ta không thể chắc chắn hiểu hết được hoàn toàn. Chúng ta nợ họ quan điểm bình đẳng trước pháp luật, sự thiêng liêng của sự sống, phẩm giá của con người, trách nhiệm của xã hội, hòa bình và nhiều thứ khác nữa, tạo ra khuôn mẫu cơ bản cho tư tưởng con người. Không có điều đó, thế giới có thể trống rỗng hơn!

Trích dẫn từ Tổng thống Hoa Kỳ thứ 2 John Adams (1797-1801): Người Hebrew/Người Do Thái đã đóng góp để khai hóa nhân loại nhiều hơn bất cứ dân tộc nào khác. Tôn giáo của họ đã chiếm 3/4 toàn cầu và đã ảnh hưởng đến các chuổi sự kiện của nhân loại. Hạnh phúc và hạnh phúc hơn nữa, hơn bất kỳ nhân vật nào khác từ cổ đại đến hiện đại.

Trích dẫn từ Woodrow Wilson (1913-1921), Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28: Luật Moses đã đóng góp các gợi ý, thúc đẩy nhân loại và các tổ chức để chuẩn bị cho thế giới hiện đại. Và nếu chúng ta để mắt nhìn thấy, thì chúng ta nên sẵn sàng khám phá, ngoài khía cạnh tôn giáo thì chúng ta đã nợ người Do Thái những gì? Một điều đáng chú ý là, từ khi Alfred Nobel lần đầu tiên tổ chức ra giải thưởng Nobel, thì hơn 1/5 giải thưởng đã trao cho người Do Thái. Tổng dân số Do Thái ít hơn một nửa của 1% tổng dân số thế giới, nhưng người Do Thái đã nhận được hơn 20%  của giải Nobel cho các thành tựu vĩ đại của khoa học, xã hội, kinh tế, sự sáng tạo và các đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của nhân loại. Không chỉ trở thành những người xuất sắc nhất, người Do Thái đã đóng góp cho thế giới nhiều hơn so với dân số của họ hơn bất cứ dân tộc nào khác trong lịch sử. Đó là niềm đam mê tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của họ, mục đích luân lý của sự sống và sự tôn trong phẩm giá con người của họ, mà người Do Thái luôn luôn phân biệt cho điều tốt và cho điều xấu, và là những người tiên phong cho sự thay đổi.

Trích dẫn từ Thủ Tướng Anh Winston Churchill (1940 – 1945 và 1951 – 1955): Có người thích dân Do Thái và có người không thích, nhưng không một người hiểu biết nào có thể phủ nhận một thực tế không thể nghi ngờ rằng, họ là một chủng tộc ghê gớm nhất đã từng xuất hiện trong thế giới này. Trên cả sự đóng góp của họ cho nhân loại, có một thứ gì đó đáng kinh ngạc xảy ra trong kiếp lưu vong của người Do Thái. Hơn 2500 năm trước, có khoảng 10 triệu người Do Thái; ngày nay, quốc gia Do Thái cũng chỉ dưới 14 triệu người. Làm phép so sánh, 2000 năm trước có khoảng 30 triệu người Trung Quốc, ngày nay thì có hơn 1,4 tỷ người. Trong suốt chiều dài lịch sử như đã được sắp đặt từ trước, người Do Thái vẫn duy trì với dân số nhỏ bé “Và chỉ có một số ít còn sống sót ở giữa các dân tộc là những nơi mà Đức Giê-hô-va sẽ đẩy các ngươi đến” (Phục truyền Luật lệ ký 4:27). Một điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra: Người Do Thái không bao giờ quên ước mơ trở về quê cha đất tổ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, họ không bao giờ mất hy vọng, họ không bao giờ ngừng tin rằng vào một ngày nào đó kiếp lưu vong của họ sẽ chấm dứt.

Năm 1978, trước Tòa án Liên bang Xô Viết kết án ông đi tù 15 năm vì phạm “tội ác” là học tiếng Hebrew, thực hành tôn giáo Do Thái và xin visa đến Israel, Natan Sharansky đã nói: Trải qua 2000 năm, người Do Thái, dân tộc tôi đã bị ly tán khắp nơi trên thế giới và mỗi năm, người Do Thái vẫn cứng đầu và rõ ràng không có lý do gì ngăn trở họ nói với nhau rằng: “Năm tới ở Jerusalem”. Ngày nay, khi tôi tiến xa hơn về giấc mơ của tôi và của dân tộc tôi, cũng như những năm tháng khó khăn trong ngục tù ở phía trước, tôi vẫn sẽ nói với vợ tôi và dân tộc tôi rằng: Năm tới gặp nhau ở Jerusalem nhé! Sau 9 năm bị giam cầm trong tù, Natan Sharansky được tự do, và vào năm 1986 ông di cư đến Israel. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa đã từng đàn áp bắt bớ giam giữ ông đã bị sụp đổ và không còn tồn tại nữa. Một sự kiện lịch sử tương tự nữa thật là mỉa mai, sau khi Đức Quốc Xã Nazi bị đánh bại vào năm 1945, thì vào năm 1948 – chỉ 3 năm sau Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu để hồi sinh quê hương của người Do Thái, quốc gia Israel đã được sinh ra để chuẩn bị cho ngày cuối cùng của nhân loại theo như lời Kinh Thánh đã cậy nhờ các Đấng Tiên tri loan báo. Ngày nay, sau 2500 năm ly tán ở hơn 100 Quốc gia của 5 châu lục, Do Thái là dân tộc duy nhất trong lịch sử còn sống sót, gìn giữ danh tính dân tộc, trở về không chỉ 1 lần mà những 2 lần qua các cuộc lưu vong trở về quê cha đất tổ.

Câu chuyện của Abraham và câu chuyện của người Do Thái là câu chuyện của một người đàn ông có bản lĩnh để trở nên khác biệt và dòng dõi của ông, một dân tộc đi lang thang đến vô tận, một dân tộc không ngừng bị hành hạ bị đàn áp, một dân tộc có tầm nhìn cho một thế giới tốt đẹp hơn – không dân tộc nào sánh bằng. Một dân tộc chỉ tin vào Một Thiên Chúa Duy Nhất và sự cam kết của họ với Kinh Thánh Torah của Ngài, với ước mơ trở về quê cha đất tổ không lay chuyển. Một người đàn ông và đến từ ông là một dân tộc có bản lĩnh để trở nên khác biệt.

Trích dẫn Thomas Cahill trong cuốn “Món quà tặng của người Do Thái”: Chúng ta (Người Do Thái) sẽ nhìn thế giới qua đôi mắt khác, nghe bằng đôi tai khác, thậm chí cảm nhận với cảm xúc khác và chúng ta sẽ sống một lối sống khác trong cuộc đời chúng ta.

Trích dẫn từ James Roberts trong cuốn “Lịch sử thế giới”: Không có dân tộc nào khác đã tạo ra một chấn động lịch sử lớn hơn mà lại đến từ nguồn gốc và tài nguyên nhỏ bé ít ỏi tầm thường này. Để hiểu người Do Thái thì phải hiểu lịch sử của họ và vai trò quan trọng mà họ đã làm trong lịch sử. Tuy nhiên, để hiểu cách nào mà họ tồn tại bất chấp những khó khăn, thì phải tìm hiểu ở bên kia lịch sử, một thế giới ở ngoài tầm thiên nhiên (Thế giới Siêu Nhiên) – Một thế giới của thần thánh mà chỉ có người Do Thái, là những người được chọn mới cảm nhận được.

Đức Giám Mục ở Bristol, Ngài Thomas Newton (1761 – 1782) nói về Do Thái ở thế kỷ 18 rằng: Sự tồn tại của người Do Thái thực sự là một dấu hiệu kỳ lạ nhất và là những hành động đặc biệt nhất của Đấng Tạo Hóa Thiêng Liêng. Thế lực siêu nhiên nào có thể gìn giữ họ như vậy, mà không có bất cứ dân tộc nào khác đã bảo tồn được như vậy, và không kém phần đặc sắc chính là sự suy nhược của kẻ thù người Do Thái. Cứ coi như đó là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người, cho bất cứ lúc nào hoặc bất cứ thời điểm nào, cho bất cứ ai muốn nổi loạn và đàn áp hành hạ chống lại họ. Lời Thánh Kinh chép: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm rạng rỡ danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa ngươi. Mọi dân trên đất sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 12:2-3). Nếu lịch sử và câu chuyện của người Do Thái đã chứng minh cho điều gì đó, thì đó chính là Thiên Chúa đã giữ Giao Ước của Ngài, lời hứa của Ngài đối với dân tộc Do Thái.

Trích dẫn từ nhà văn Nga Leon Tolstoy (1852 – 1910) viết vào năm 1908: Do Thái là cái gì? Sinh vật độc đáo này là cái gì? Là người mà các nhà lãnh đạo của tất cả các dân tộc đều ghét bỏ, chà đạp, trục xuất, diệt chủng, đàn áp, thiêu sống và dìm xuống nước cho chết. Là người bất chấp sự tức giận và cuồng nộ của những kẻ áp bức họ, họ vẫn tiếp tục sống còn và phát triển thịnh vượng. Người Do Thái là biểu tượng của sự bất diệt, họ đã đi theo lòng trung thành của các bậc tổ phụ trong thời gian quá lâu dài để bảo vệ lời tiên tri và truyền đạt điều ấy đến cho nhân loại qua nhiều thế kỷ. Một dân tộc như thế thì không bao giờ và không thể biến mất!

Viết về Do Thái vào năm 1899, Mark Twain (1835-1910) đã nhận ra điều ấy: Người Ai Cập, người Babylon và người Ba Tư phát triển sinh sôi nảy nở trên mặt đất với danh tiếng vang dội lẫy lừng và ánh sáng huy hoàng, sau đó, đã trở nên phai mờ nhạt nhòa như những giấc mơ và rồi đi vào dĩ vãng. Người Hy Lạp và Người La Mã đi theo và tạo ra tiếng tăm lẫy lừng thật lớn, và rồi họ cũng trôi qua. Những dân tộc khác cũng đã nổi lên và giơ cao ngọn đuốc của họ trong một thời gian, nhưng ngọn đuốc ấy cũng đã tàn lụi và bây giờ họ ngồi trong ánh hoàng hôn hoặc đã biến mất. Người Do Thái đã chạm trán với họ, đánh bại tất cả họ, và bây giờ họ vẫn luôn luôn là như vậy – đứng đầu trên các dân tộc. Không có biểu hiện của sự sa sút, không có sự yếu đuối của tuổi tác, không có sự suy yếu của các bộ phận cơ thể, nguồn năng lượng của họ không bị chậm lại, tâm trí họ không bị lu mờ và ý chí của họ rất kiên định, vì chính Thiên Chúa đã tiền định cho họ điều đó nếu họ vâng theo tiếng phán của Thiên Chúa. Tất cả mọi thứ đều đã chết, nhưng người Do Thái thì không, tất cả các quyền lực khác đã biến mất, nhưng người Do Thái vẫn tồn tại. Bí mật bất tử của người Do Thái là gì? “Nếu các ngươi thật lòng lắng nghe tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài thì ngày nay Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi sẽ làm cho các ngươi trổi vượt hơn mọi dân tộc trên đất này” (Phục truyền Luật lệ ký 28:1). Đó là lời tuyên hứa chắc chắn và thành tín của Thiên Chúa đối với người Do Thái.

Bây giờ chúng ta biết gì về đất nước, văn hóa và con người Do Thái? Tại sao người Do Thái thông minh? Hãy cũng khám phá sự huyền bí của nền văn minh Hebrew.

Những chữ cái tiếng Do Thái Hebrew nằm khớp trong ngôi sao 6 cánh của Vua David (Tấm khiên David) gồm 2 hình tam giác nằm ngược nhau và chồng lên nhau hình thành 6 tam giác đều nhỏ bên ngoài và hình lục giác đều bên trong. Nếu nối 6 đỉnh của lục giác đều bên trong sẽ hình thành 6 tam giác đều nhỏ nữa, như vậy có tất cả 12 tam giác đều tượng trưng cho 12 Chi phái Israel. Đây chính là hình ảnh lá cờ của Quốc gia Israel. Ngôi sao David là biểu tượng cho số 7, bao gồm 6 mũi nhọn và phần trung tâm. Số 7 có nhiều ý nghĩa trong Do Thái giáo: Thiên Chúa tạo ra thế giới trong 6 ngày và 1 ngày thứ 7 để nghỉ ngơi được biệt riêng ra Thánh. Theo huyền học Kabbalah, ngôi sai David biểu trưng cho 6 hướng và trung tâm, như được mô tả trong sách Sáng thế ký bao gồm trên, dưới, đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Moses là hậu duệ thứ 7 của tổ thụ Abraham, có 7 ngày Lễ Đạo Do Thái giáo.

Từ thời thượng cổ, người Hy Lạp đã tin rằng người càng thông minh thì bộ não càng lớn; các nhà thần kinh học ngày nay cũng tin rằng khối lượng não bộ của một người có liên quan trực tiếp đến sự thông minh của người ấy. Khi Albert Einstein chết, thân thể của ông được hỏa táng nhưng ông đã đồng ý hiến tặng bộ não của ông cho các nhà khoa học. Người ta đã giải phẫu và thấy rằng thùy đỉnh của não bộ ông lớn hơn mức bình thường là 15%. Nhưng làm thế nào để não bộ được lớn? Trong cơ thể chúng ta, cái gì càng năng vận động thì sẽ càng phát triển, và trở nên mạnh mẽ; cái gì không sử dụng thì sẽ teo lại và mất khả năng. Vậy thì, người Do Thái đã vận dụng và phát triển não bộ của họ bằng cách nào để trở thành người thông minh? Đó là bằng cách học thuộc lòng Kinh Thánh. Trẻ em Do Thái từ khi mới sinh ra đã được cha mẹ dạy dỗ học thuộc Kinh Thánh. Sau đó các em được đưa đến Nhà Hội và tại đây, cách học Kinh Thánh của Nhà Hội cũng vẫn là học thuộc lòng. Chúa Giê-xu và các Sứ đồ, thậm chí các thầy thông giáo và người Pharisi đi đâu thì không cần phải vác theo các cuộn Kinh Thánh bằng giấy da rất nặng nề, vì họ đã thuộc lòng Kinh Thánh. Nhưng có người sẽ hỏi: Einstein và nhiều người Do Thái ngày nay đâu có còn học thuộc lòng Kinh Thánh, vậy tại sao họ vẫn thông minh? Đúng vậy, nhưng não bộ của người Do Thái đã được phát triển không phải chỉ qua một ngày vì trong tiến trình vận dụng trí nhớ để học thuộc lòng Kinh Thánh trải qua hàng mấy ngàn năm, mỗi ngày một chút não bộ của người Do Thái đã phát triển thêm và lưu truyền lại.

Lại cũng có người nói: Abraham gốc là người Lưỡng Hà (Ba Tư – Iran ngày nay) mà người Lưỡng Hà vốn dĩ thông minh. Chính họ cách đây hơn 4000 năm, đã biết sử dụng chữ viết; có lẽ Abraham cũng thuộc dòng thông minh, nhưng cần nhớ rằng dòng dõi của ông không phải chỉ có người Do Thái mà còn người Ả Rập nữa. Sự thông minh của người Ả Rập so với sự thông minh của nhân loại cũng bình thường, chỉ có người Do Thái là đặc biệt thông minh xuất sắc. Sở dĩ họ thông minh như vậy vì tổ tiên của họ đã có thói quen vận dụng trí não để học thuộc Kinh Thánh và sự thông minh đó đã được di truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ.

Ba yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công của họ là: Kinh Thánh Torah, cộng đồng Do Thái và nền giáo dục chuẩn mực. Kinh Thánh Torah nói rằng, người Do Thái phải sống cách ly với tất cả các dân tộc khác (dân ngoại) để dân Do Thái không học theo những đường lối của các dân tộc khác: “Đức Giê-hô-va phán thế này: Đừng học đòi lối sống của các dân tộc, cũng đừng run sợ các điềm trên trời, dù các dân có run sợ những điều ấy” (Giê-rê-mi 10:2). Kinh Talmud dạy rằng người Do Thái phải điều tra từng vấn đề công khai và khiếu nại trực tiếp. Hashem (Thiên Chúa trong tiếng Do Thái) chọn dân Do Thái làm dân riêng của Ngài nên phải giữ trọn Giao ước đã được lập. Khi một đứa trẻ Do Thái còn nằm trong bụng mẹ, đứa trẻ  đó đã được dạy toàn bộ Kinh Thánh Torah. Ngày đầu tiên đi học, trẻ em Do Thái liếm mật ong trên những trang sách Kinh Thánh hoặc bảng chữ cái Hebrew; người Do Thái làm vậy vì họ vâng lời Chúa làm theo Kinh Thánh Ê-xê-chi-ên 3:3 “Ngài phán: Hởi con người, hãy lấy cuộn sách Ta cho mà ăn cho no dạ, làm cho đầy bụng. Vậy tôi ăn vào và thấy trong miệng ngọt như mật”. Một điều bí mật thú vị nữa là: Tóc mai của họ ít khi bị cắt và râu cũng không được cạo là vì “đức vâng lời”. Điều đó cũng rất là quan trọng vì là hệ thần kinh ở tóc mai rất phức tạp, có thể vì nó mà mất trí nhớ. Hải mã (Hippocampus) – Còn gọi là Hồi Hải Mã hay Hồi Cá Ngựa, là hai khối chất xám có hình cung giống như con Cá Ngựa biển nằm bên trong thùy thái dương. Con người và các loài động vật có vú khác đều có hai Hải Mã mỗi cái ở một bán cầu não. Hải mã có hai chức năng sau:

– Liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin hình thành ký ức dài hạn hay ký ức sự kiện, đó là nơi tàng trữ mọi tin tức đã được thu nhận trong quá khứ mà bây giờ đã trở thành những hoài niệm.

– Khả năng định hướng trong không gian. Trong bệnh Alzheimer, Hải mã là một trong những khu vực đầu tiên của bộ não bị tổn thương; các vấn đề về trí nhớ và mất khả năng định hướng nằm trong số những triệu chứng đầu tiên. Tổn thương đối với Hải mã còn có thể có nguyên nhân từ sự thiếu ôxi và bệnh viêm não.

Đó là lý do tại sao người Do Thái lưu giữ thông tin của quá khứ và truyền lại qua nhiều thế hệ, nhất là luôn luôn định hướng về quê hương với câu nói bất hủ: “Năm tới, chúng ta sẽ gặp nhau tại Jerusalem”.

Người Do Thái luôn tìm cho mình người thầy giáo, một người am hiểu để học hỏi. Ngoài ra người Do Thái luôn tìm cho bản thân một người bạn học, người đồng hành hay còn có thể gọi là người tranh luận để cùng phát triển nhìn nhận vấn đề sự việc theo nhiều hướng khác nhau. Quá trình tranh luận giúp tăng khả năng ghi nhớ và khả năng sáng tạo, động não của bộ não và khối óc. Người Do Thái cũng nhảy vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tin học là thiết kế, lập trình máy tính. Dân tộc Do Thái cũng giỏi về lãnh vực tôn giáo và khoa học. Chúa Giê-xu là người Do Thái tạo ra Cơ Đốc giáo, hiện nay là tôn giáo đông tín đồ nhất trên thế giới. Mặc dù người Do Thái có số dân ít ỏi người nhất thế giới, nhưng lại có nhiều nhà khoa học được giải Nobel nhất thế giới. Điều chắc chắn rằng: Người Do Thái được sinh ra để làm theo những lời dạy và điều răn trong Kinh Thánh. Kinh Thánh Torah, sách Xuất Ê-díp-tô ký 19:6 có chép rằng: “Và các ngươi sẽ trở thành một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc Thánh cho Ta. Hãy nói với con dân Israel những điều đó”. Người Do Thái rất quan tâm và chú trọng đến giáo dục, những người thầy giáo Do Thái thường xuyên nhảy múa vui vẻ hòa đồng với các em học sinh như những người bạn. Theo truyền thống Do Thái, người cha phải có trách nhiệm bổn phận và nghĩa vụ dạy dỗ con cái nên người. Người Do Thái cũng là một dân tộc thiện chiến, trải qua nhiều thời kỳ họ luôn luôn là những người anh hùng mà cuộc chiến 6 ngày năm 1967 đã chứng minh điều đó.

Nền văn hóa Do Thái khá là tâm linh, lý trí và tình cảm. Nền văn hóa lâu đời phát triển bền vững và duy trì qua nhiều thế hệ vẫn luôn luôn trường tồn vì chính Thiên Chúa đã chọn lựa, đồng hành, dạy dỗ, chăn dẫn họ cho đến ngày cuối cùng của nhân loại.

📷

Vậy thì bí mật thành công của người Do Thái khởi nguồn từ các yếu tố nào?

– Yếu tố thứ nhất là Kinh Thánh Do Thái, Giao Ước thành tín giữa Thiên Chúa và người Do Thái.

– Yếu tố thứ hai là cách thức gìn giữ bảo toàn phát huy Do Thái giáo, lối sống và bản sắc tôn giáo văn hóa Do Thái.

– Yếu tố thứ 3 là ngôn ngữ Hebrew, là một ngôn ngữ đặc biệt vì các ký tự mỗi chữ cái Hebrew đều được tìm thấy trong một biểu tượng đơn giản được định hình trong hình ảnh ngôi sao David, điều này không bao giờ tồn tại ở các ngôn ngữ khác trên thế giới.

– Các yếu tố khác như “gien” và tố chất thông minh, tính hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo chỉ là phần phụ, là phước hạnh thêm vào để được biệt riêng không trộn lẫn với các dân tộc khác. Không một người nào, một dân tộc nào, một quốc gia nào học được, làm được và có được như người Do Thái trừ khi chúng ta trở nên “được chọn lựa” như người Do Thái. Và cũng thật trớ trêu thay, đây lại là nguyên nhân chính khiến họ bị xua đuổi, miệt thị, truy sát trong hơn 20 thế kỷ qua.

Trong các tôn giáo trên thế giới, đạo Do Thái được ghi nhận là đạo có tuổi đời lâu thứ 2 trên thế giới (ra đời cách đây khoảng 3500 năm) sau đạo Hindu (ra đời cách đây khoảng 4000 năm). Tuy nhiên, do Hindu là đạo đa thần nên Do Thái giáo có thể xem như là đạo độc thần ra đời sớm nhất thế giới. Độc thần giáo là đạo chỉ thờ 1 vị thần thánh duy nhất, Do Thái giáo chỉ thờ duy nhất Thiên Chúa và chỉ có 1 Đức Chúa Trời duy nhất nên bàn thờ trong nhà thờ Do Thái chỉ có Hòm Giao ước, không thờ vật, thờ người hoặc động vật. Một điều rất đặc biệt là trong Kinh Thánh Do Thái Torah có ghi chép rằng: Người Do Thái được Đức Chúa Trời tuyển chọn để truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng nhân loại. Cho nên người Do Thái rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Thiên Chúa giao phó. Đây là động lực lớn nhất khiến người Do Thái luôn tìm cách đạt đến chuẩn cao của khoa học công nghệ kỹ thuật, phấn đấu vượt tầm trí tuệ để “dẫn dắt” nhân loại như họ nghỉ rằng đã được “Thiên Chúa lựa chọn”. Điều nổi bật nhất ở người Do Thái là họ thấy mục đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo chứ không chỉ là kiếm tiền và kiếm tiền, cũng như sự giàu có của họ; vì tiền thực ra cũng chỉ là hệ quả của các lao động sáng tạo chứ không phải mục đích mà họ theo đuổi. Khi gặp nạn, vật đầu tiên và vật quý giá nhất mà người Do Thái đem theo đó chính là cuốn Kinh Thánh, chứ không phải bất cứ vật dụng nào khác. Kinh Thánh Do Thái đối với họ vừa là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, vừa giúp họ giữ được bản sắc, vừa giúp họ có tương lai. Đạo Do Thái và việc duy trì nòi giống cũng tuân thủ theo phán dạy của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, việc thực hiện nghiêm ngặt các phong tục tập quán của Do Thái giáo giúp người Do Thái sàng lọc gien “xấu”, lấy và nhân giống gien “tốt”. Người Do Thái đã “luật hóa” và “hệ thống hóa” được việc chọn lọc có chủ đích thay cho việc chọn lọc tự nhiên, vô thức để “hoàn thiện” và “phát triển” gien của mình. Trong đạo Do Thái, Giáo sĩ là những người được chọn từ những người vừa khôn ngoan và vừa thông minh nhất. Họ có rất nhiều con cháu vì họ có uy tín cao hơn xã hội, nên họ dễ dàng chọn vợ; họ ưu tiên chọn thường là con cái của các học giả rồi sau đó mới đến con cái các thương gia doanh nhân. Kinh Thánh Do Thái thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái của mình lấy con gái của các học giả. Đàn ông, con trai dù bận công việc đến mấy cũng tìm cách đến nhà thờ vào lúc 6 giờ chiều hàng ngày để cầu nguyện trước khi về nhà.

Chuyện ăn uống và tố chất của người Do Thái cũng vậy, tức là ăn uống thực phẩm theo luật pháp đạo Do Thái giáo. Trên thế giới không có dân tộc nào có kiểu ăn kiêng, kén chọn phức tạp và rườm rà như người Do Thái truyền thống. Khi ăn thịt phải lấy hết sạch máu và người chế biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất, không đau đớn nhưng lại ra được hết tiết. Thậm chí còn phải rửa sạch và ngâm miếng thịt trong nước 30 phút trước khi chế biến để ra hết máu; chỉ ăn những con vật có móng chẻ, ăn cỏ và nhai lại thức ăn như bò, dê, cừu. Các con vật không ăn được là heo, ngựa và lạc đà. Heo tuy có móng chẻ nhưng không nhai lại và ăn tạp, còn ngựa và lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ. Ăn các loại có cánh như gà, vịt, ngổng, bồ câu… và không ăn các loài chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng, đại bàng. Ăn các loài cá có vây và vẩy như cá hồi, cá ngừ, cá trích… không ăn các con cá không vẩy như lươn, cá trê, cá tầm, tôm tép, nghêu sò, ốc hến, các loài bò sát, côn trùng. Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa của các con vật Kosher như bò, dê, cừu và không được ăn uống đồng thời với thịt. Đồ chế biến sữa và thịt, kể cả chậu rửa chén bát nhất thiết phải dùng riêng. Không được ăn nội tạng động vật hay gia cầm, không ăn phần phía sau của con thú và không ăn thịt và cá đồng thời. Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp Do Thái chính thống trực tiếp nấu nướng và sẽ bị phát rất nặng nề, kể cả tước giấy phép kinh doanh hành nghề nếu vi phạm. Có thể nói rằng, đây không phải là đồ ăn kiêng của người Do Thái mà thực chất Kosher là đồ ăn và cách ăn rất thông minh và khoa học.

Như vậy, trải qua cả mấy ngàn năm với cuốn Kinh Thánh, người Do Thái không chỉ thành công trong việc bảo tồn mà còn phát triển bản sắc, văn hóa, tôn giáo của mình. Không những vậy, thông qua việc ăn uống cuộc sống tinh thần lành mạnh làm cho “gien” Do Thái vốn đã ưu việt ngày một trở nên ưu việt hơn. Khác với các tôn giáo khác, người Do Thái không tìm cách phát triển tôn giáo của mình qua con đường truyền đạo như Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, mà tìm cách giữ sao cho Do Thái giáo càng thuần khiết càng tốt. Phải chăng những người được Thiên Chúa “chọn mặt gởi vàng” đâu có thể phát triển tràn lan được! Có lẽ chính vì vậy mà cách đây từ trên 3000 năm, nhà tiên tri Moses của người Do Thái đã lường trước điều này khi ông – ngay từ khi đó – đã hình dung ra rằng nếu người Do Thái làm theo các lời răn dạy của ông từ Thiên Chúa thì họ sẽ trở thành đối tượng săn đuổi và tận diệt của nhiều sắc dân khác. Vì vậy, họ đã chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ trong cả 2000 năm lưu vong trước khi “trở về Jerusalem”. Điều ngạc nhiên là người Do Thái không than thân, trách phận mà họ coi đó là sự thử thách của Thiên Chúa đối với dân tộc!

Trong suốt lịch sử, hành động đầu tiên đánh dấu rằng người Do Thái có một bản sắc dân tộc đặc biệt mạnh mẽ chính là việc họ đã từ chối các vị thần dân ngoại và các phong tục tôn giáo của những dân tộc đã từng thống trị họ. Có những dân tộc chấp nhận tôn giáo, ngôn ngữ và bản sắc của những người cai trị hoặc hàng xóm để rồi cuối cùng biến mất khỏi lịch sử. Điều đó cho thấy rằng một bản năng yếu kém không có chỗ tồn tại trong thế giới của quyền lực. Cái bản sắc tôn giáo – dân tộc, của người Do Thái đã tỏ ra mạnh hơn so với hầu như bất kỳ một dân tộc nào khác trên trái đất. Khả năng sinh tồn này đã được định hình không phải chỉ do đặc tính “bướng bỉnh” và “bất chấp” của người Do Thái, cũng không phải do những o ép đối với họ bằng vũ lực. Việc ngăn cấm tôn giáo đối với người Do Thái bằng cách pha loãng tập tục của họ hay tích hợp từ tập tục của những dân tộc khác trong thời cổ đại đã dẫn đến cuộc nổi dậy thành công của người Do Thái vào năm 166 trước CN, chống lại người Syria dòng Seleucid để lập nên vương quốc Hasmoneans độc lập. Và ngược lại là cuộc khởi nghĩa thất bại chống lại người La Mã để dẫn đến sự hủy diệt của Jerusalem vào năm 70 sau CN, buộc người Do Thái phải sống cuộc đời lưu vong trong gần 2000 năm. Người Do Thái vẫn duy trì một hình thức chính phủ cộng đồng của riêng mình, cùng với pháp luật, lịch, ngôn ngữ, các quan điểm triết học, có thể nhìn thấy trong các văn bản lớn của giáo hội, đặc biệt là qua đồ ăn, cách ăn, tập quán và trang phục quần áo.

Người Do Thái khôn ngoan và thông minh là vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài. Do Thái giáo làm người Do Thái đoàn kết gắn bó, nếu đã là dân tuyển chọn ưu tú của Thiên Chúa thì dĩ nhiên họ phải cố gắng gồng sức lực để trở thành người giỏi nhất có thể. Kinh Thánh Êsai 49:6 có chép rằng: “Thật là quá sáng suốt cho con là đầy tớ của Ta để lập lại các bộ tộc Gia-cốp, và đưa những người Israel được bảo vệ trở về. Ta sẽ khiến con làm ánh sáng cho các nước, để đem sự cứu rỗi của Ta đến tận cùng trái đất”. Kinh Thánh Êsai 42:6 cũng có chép rằng: “Ta là Đức Giê-hô-va, Ta đã gọi ngươi trong sự công chính, Ta sẽ nắm tay ngươi và gìn giữ ngươi. Ta sẽ lập ngươi làm giao ước với các dân, làm ánh sáng cho các nước”. Kinh Thánh Êsai 60:3 lại chép rằng: “Các nước sẽ tìm đến ánh sáng ngươi, các vua sẽ hướng về ánh bình minh rực rỡ của  ngươi”. Đó là lời hứa chắc chắn mà Thiên Chúa sẽ làm thành trên dân tộc Do Thái, quốc gia Israel trong những năm tháng của thời kỳ cuối cùng nhân loại trên trái đất này.

Sự bí ẩn của người Do Thái, thực sự không có gì bí ẩn hết, nó không phải tìm ở đâu xa, cũng không phải ở một thời điểm nào đó của lịch sử nhân loại, cũng như ở trong một cuốn sách bí truyền nào đó của con người mà chính là trong Thánh Kinh qua sự mặc khải của Thiên Chúa Toàn Năng. Kể từ Abraham (tổ phụ của người Do Thái) cho đến từng người Do Thái có mặt trên thế giới ngày nay đều phải tôn thờ. Để lý giải điều này chúng ta hãy nghe bài hát có tựa đề: “CHÚNG TA LÀ CON CHÁU CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐỨC TIN” mà trong bất cứ một cuộc sinh hoạt cộng đồng nào của người Do Thái đều thường hay hát suốt qua bao nhiêu thế kỷ này.

Chúng ta là những người có đức tin, con cháu của những người có đức tin. Và chúng mình không tin tưởng bất cứ ai, ngoại trừ một Đấng. Đó là Vị Cha, là Thiên Chúa của chúng ta ở trên Nước Trời. Israel, Israel tin cậy yêu mến nơi Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu giúp và là tấm khiên bảo vệ che chở ngươi. Israel, Israel đặt trọng đức tin vào Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu giúp và là tấm khiên bảo vệ che chở ngươi. Israel, Israel trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu giúp và là tấm khiên bảo vệ che chở ngươi.

Đó là lý do mà ngày hôm nay trong thời kỳ cuối cùng này chúng ta cần phải nghiên cứu, học hỏi về lịch sử tuyển dân Israel! Nghiên cứu lịch sử dân tộc Do Thái quá khứ, hiện tại và tương lai là nghiên cứu Thánh Kinh để biết rõ chương trình của Đức Chúa Trời cho một dân tộc, cho toàn thể nhân loại, cho Hội Thánh Ngài trên đất này và cho chính đời sống tâm linh chúng ta để chuẩn bị chờ đón ngày Chúa Giê-xu sẽ quang lâm tiếp đón chúng ta lên chốn không trung gặp Chúa!

Sưu tầm tổng hợp và biên soạn – Phan Thanh 

hoithanh.com


Comentários


bottom of page