Hôm nay, thứ tư, ngày 1 tháng 6 năm 2022 nhằm ngày 2 tháng Sivan năm 5782 theo lịch Do Thái. Hôm nay trên lịch Do Thái được gọi là Yom HaMeyuchas ( Ngày được lựa chọn, ngày được chỉ định, hay ngày phân biệt). Điều này xảy ra vì chính vào ngày hôm nay, sau khi Môi se lên núi Si-nai-I, Đức Chúa Trời đã nói cùng với Môi se về sự lựa chọn của Chúa cho dân tộc Do Thái và dặn ông nói lại với dân tộc Do Thái “Các ngươi đã thấy điều ta làm cho người Ê-díp-tô, ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng ta thế nào. Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, CÁC NGƯƠI LÀ DÂN THUỘC RIÊNG VỀ TA, vì cả thế gian đều thuộc về ta. CÁC NGƯƠI SẼ THÀNH MỘT NƯỚC THẦY TẾ LỄ, cùng MỘT DÂN TỘC THÁNH CHO TA.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19: 4-6).
Yom HaMeyuchas (Ngày của sự lựa chọn) là ngày nhắc nhớ đến sự lựa chọn của Chúa dành cho dân tộc Do Thái. Cho đến ngày hôm nay, dân tộc này vẫn là dân tộc được chọn lựa của Ngài. Giê-rê-mi 24:6 có chép “Ta sẽ để con mắt ta trên chúng nó làm ích cho, và ta sẽ đem họ về trong xứ nầy, lập lên mà không phá đi nữa, trồng lại mà không nhổ đi nữa.”.
“được lựa chọn” chính là căn bản của người Do Thái, đây chính là yếu tố quyết định để dân tộc Do Thái trở nên khác biệt. Và đây là những “khác biệt” ở thời kỳ hiện đại của dân tộc này.
PHÉP LẠ CỦA MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC LỰA CHỌN.
“In Israel, in order to be a realist, you must believe in miracles.”
“Tại Israel, để là một người thực tế, bạn phải tin vào phép lạ”
David Ben-Gurion (Thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Israel hiện đại) đã nói như vậy.
Về địa hình, địa thế, Israel nằm ở vị trí hết sức khắc nghiệt, khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới:
Israel nằm ở ngã ba của 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Âu), là mục tiêu “chinh phạt” trong suốt gần 3000 năm qua của hàng chục đế chế châu Âu, Trung Đông, từ đế quốc La Mã, Assyria, Ottoman và gần đây nhất là Anh do có thành phố Jerusalem mà 3 tôn giáo lớn trên thế giới (Thiên Chúa giáo, Do Thái Giáo và Hồi giáo) đều coi là nơi đạo của mình sinh ra và “phát tích”;
Thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20,000 km2 (bằng hai phần ba diện tích đảo Hải Nam), mà Israel có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam;
Dân số Israel chỉ có 8 triệu người (trong đó có 6 triệu người Do Thái), nhưng lại bị tứ bề bao vây bởi 300 triệu dân Hồi giáo Ả-rập thù địch.
NHƯNG GIỮA NHỮNG KHÓ KHĂN ĐÓ PHÉP LẠ ĐÃ XẢY RA.
CƯỜNG QUỐC NÔNG NGHIỆP GIỮA SA MẠC.
Do điều kiện tự nhiên, sa mạc chiếm đến 60% tổng số 20.000 km2 diện tích, nên đất đai canh tác còn lại của Israel rất ít và chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven biển. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Israel trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới,
Chỉ với 2,5% dân sốIsrael làm nông nghiệp nhưng mỗi năm nơi đây xuất khẩu đến 3 tỷ USD nông sản, nằm trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Thung lũng Arava nằm trong những nơi khô cằn nhất thế giới nơi đây phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc khô cằn, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, ý chí kiên cường và bền bỉ của người Israel. Nếu so với Israel, có lẽ đất đai miền Trung Việt Nam còn màu mỡ và có các điều kiện tự nhiên để sản xuất tốt hơn nhiều. Israel đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực cải tạo đất hoang mạc, sa mạc thành đất nông nghiệp trù phú.
Nền nông nghiệp ở Arava gắn liền với một công trình được biết đến như một kỳ công mà con người đã tạo ra giữa lòng sa mạc, đó chính là bể chứa nước khổng lồ có tên Shizaf. Bể chứa nước này có khả năng dự trữ lên đến 150.000 m3 nước sạch, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu. Công nghệ xử lý nước của đất nước Israel thuộc hàng hiện đại nhất trên thế giới với tỉ lệ tái chế để sử dụng đến 75%. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt HOÀN HẢO ĐẾN MỨC sẽ KHÔNG BỎ PHÍ BẤT KỲ GIỌT NÀO.
Về mặt sinh thái, bước vào thế kỷ 21, Israel là nước duy nhất trên thế giới đã mở rộng được diện tích rừng và quỹ đất nông nghiệp.
Tuy là nước nhỏ, có 8 triệu dân, nhưng Israel lại có hệ thống đường dẫn nước tái sử dụng dài nhất thế giới. Toàn bộ lượng nước thải được dẫn trở lại các trung tâm xử lý, lọc lại, sau đó được dẫn ngược trở lại theo các đường ống để sử dụng tưới tiêu cho nông nghiệp.
Hệ thống ống dẫn nước tưới được dẫn đến từng khoảnh vườn, tới từng cây và việc tưới được vi tính hóa qua hệ thống điều khiển ở trung tâm về thời gian tưới, lượng nước tưới sao cho phù hợp nhất với thời tiết, độ sinh trưởng của từng loại cây. Cũng từ trung tâm, các kỹ sư nông nghiệp sử dụng luôn đường ống dẫn nước để dẫn phân bón hoặc chất dinh dưỡng cần cho cây theo định kỳ.
NUÔI CÁ TRONG LÒNG SA MẠC.
Người dân Isarel không chỉ sử dụng đất của sa mạc để trồng cây mà còn tận dụng để nuôi trồng thủy sản và phát triển các trang trại cá lớn đều đó mang lại nhiều thu nhập hơn cho quốc gia này.
Người Israel nuôi trồng thủy sản với năng suất cực cao và chất lượng siêu sạch, thu lãi ròng từ 1,5 – 3 USD/kg. Tại một cơ sở nuôi cá siêu thâm canh, họ đặt 40 bể nhựa tròn trong nhà có mái che. Mỗi bể có thể tích 15 m3, mỗi vụ nuôi được 1,5 tấn cá, một năm nuôi 2 vụ thu được 3 tấn cá. Mỗi năm cơ sở này sản xuất khoảng 120 tấn cá.
CHĂN NUÔI TRÊN SA MẠC.
Nền nông nghiệp Israel nổi tiếng với công nghệ chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao nhất thế giới.
Cụ thể, theo thống kê trong năm 2013 của Volcani Center - trung tâm nghiên cứu trực thuộc chính phủ Israel, trung bình các đàn bò tại quốc gia này đạt sản xuất ra 11.500 lít sữa/con/năm, trong khi đó con số này ở New Zealand là 4.000 lít, ở Hà Lan 8.000 lít và ở Mỹ là 9.000 lít. Chất lượng sữa cũng vào loại tốt nhất, lượng đạm và chất béo cao hơn hẳn các loại sữa khác.
Ngay tại giữa sa mạc, mảnh đất này được những con người mà Chúa chọn làm tuyển dân của Chúa biến thành một mảnh đất đượm sữa và mật theo đúng nghĩa đen của nó.
Thật, nếu Chúa bảo nơi nào đượm sữa và mật thì nó là như vậy.
Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.
Comentários