top of page
Tìm kiếm

ÂM NHẠC – NỀN TẢNG SỰ CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI DO THÁI.



Âm nhạc là điều chúng ta không nhìn thấy được, nhưng chúng ta có thể cảm nhận thấy sự hoạt động của nó ở xung quanh chúng ta và trong thế giới mà chúng ta đang sống. Có lẽ trước khi có thế giới này thì, những lời ca tiếng hát của các thiên sứ đã vang lên trước Ngai của Chúa. Từ rất xa xưa, âm nhạc đã có như là một sự kết nối với Đức Chúa Trời và âm nhạc như là một lời cầu nguyện không lời mở ra nguồn thiêng liêng của sự sống trên thế giới này.


Với người Do Thái, thì giá trị số của từ cầu nguyện “tefillah” và giá trị số của từ bài hát “shirah” là bằng nhau. (Chữ Do Thái được quy định thành số các chữ cái trong bảng chữ cái và người ta thường cộng lại để tìm ra giá trị số của từng chữ viết). Bởi vì điều đó mà âm nhạc cũng là hình thức của sự cầu nguyện, và sự cầu nguyện cũng là hình thức của âm nhạc. Cầu nguyện và âm nhạc giống như hai chân của ngai vàng tâm linh, hỗ trợ lẫn cho nhau. Như trong Kinh Talmud của người Do Thái dạy rằng âm nhạc và sự cầu nguyện đồng nghĩa với nhau “ở đâu có bài hát, ở đó có lời cầu nguyện”


Chúng ta có thể tìm thấy hơn 300 từ ngợi khen trong Kinh Thánh, và với hơn 200 từ nói về sự hát tôn vinh Chúa. Thi thiên 42:8 có chép “Dầu vậy, ban ngày Đức Giê-hô-va sẽ sai khiến sự nhân từ Ngài; Còn ban đêm BÀI HÁT NGÀI ở cùng tôi, TỨC LÀ BÀI CẦU NGUYỆN cùng Đức Chúa Trời của mạng sống tôi.” Đức Chúa Trời là Đấng ưu thích sự ngợi khen, Chúa muốn những bài hát và những bài hát mới. Chính vì vậy mà âm nhạc đó chính là cách để trình bày hay chính là cách giao tiếp với Chúa.


Truyền thống của Do Thái cho rằng, các tiên tri của Y-sơ-ra-ên cổ đại sử dụng âm nhạc để bước vào thế giới của Chúa. I Các vua 3:15 có chép “Nhưng bây giờ, hãy đem đến cho tôi một người khảy đàn. Trong lúc người ấy khảy đàn, thì tay của Đức Giê-hô-va ở trên Ê-li-sê.” Trong phần này, khi Ê-li-sê muốn nghe lời Chúa phán thì ông đã nhờ đến âm nhạc, và khi âm nhạc nổi lên thì TAY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ở trên ông hay như chúng ta biết ngày nay là ĐỨC THÁNH LINH giáng trên ông để ông có thể nói ra lời của Chúa.


Trong một câu chuyện khác, khi Sau lơ chưa làm vua, ông đã tham gia vào “ ..một đoàn tiên tri từ nơi cao xuống, có đờn sắt, trống cơm, ống sáo, và đờn cầm đi trước; họ sẽ nói tiên tri.” I Sa-mu-ên 10:5 Ba nhạc cụ, đàn hạc, trống và sáo - đại diện cho ba yếu tố của âm nhạc: hòa âm, nhịp điệu và giai điệu. Tham gia cuộc diễu hành của các nhạc sĩ, Sau-lơ đã được trải nghiệm nói tiên tri như là một trong số những nhà tiên trị khi thần của Chúa cảm động ông.


Có thể nói, âm nhạc đã mở tai của các nhà tiên tri để họ có thể nghe được tiếng của Chúa. Đối với người Do Thái âm nhạc như tiếng nói phá tan mọi bức tường ngăn cách, có thể đụng chạm đến cả thế giới thuộc linh, đụng chạm đến Đức Chúa Trời.


Các nhà hiền triết Do Thái cho là các giai điệu của âm nhạc đã tạo thành một chiếc thang thần thánh kết nối trái đất với các tầng trời. Trong tiếng Do Thái, từ sulam có nghĩa là “thang” nhưng cũng nghĩa là “thang âm nhạc”. Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về con đường dẫn đến thiên đàng là câu chuyện về chiếc thang của Gia-cốp, theo đó ông“bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó.” Sáng thế ký 28:12. Với người Do Thái thì một trong những chức năng chính của thiên sứ là ca hát, vì vậy các bậc thang của Gia Cốp hẳn là một loại thang âm nhạc khi các thiên thần lên xuống với các bài hát là lời cầu nguyện của nhân loại.


Trong tân ước “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả.” Công vụ 16:25-25. Âm nhạc như là một lời cầu nguyện mang đến sự giải phóng, chữa lành, bình an và là cách nhanh nhất để nhận được sự đáp lời.


Nói như vua Đa-vít, một vị vua có từng trải nhất, hiểu biết nhất về tác dụng của âm nhạc rằng “Khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Vì là điều tốt. Hãy hát ngợi khen Đức Chúa Trời chúng ta; vì là việc tốt lành.Sự ngợi khen hiệp lễ nghi.” Thi Thiên 147:1


Nguyện sự ngợi khen sẽ luôn ở trên môi miệng chúng ta.

Biên tập bởi Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam.



Comments


bottom of page