Đền Thờ Giê-ru-sa-lem của người Do Thái là gì?
Đối với người Do Thái (dân Y-sơ-ra-ên), trên thế gian không nơi nào cao quí và linh thiêng bằng Đền Thánh (hay Đền Thờ) tại Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời đã truyền với họ rằng Đền Thờ là nơi Ngài ngự giữa vòng con dân Ngài. Lịnh nầy khởi đầu khi họ được giải phóng khỏi vòng nô lệ ở xứ Ai Cập nơi họ đã bị đọa đày 400 năm. Khi ra khỏi xứ Ai Cập (Ê-díp-tô), họ phải dong ruỗi trong sa mạc 40 năm mới được vào đến Đất Hứa. Đất Hứa là vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ của họ là ông Áp-ra-ham. Trong suốt cuộc hành trình của họ, Thiên Chúa hướng dẫn họ, ban ngày thì Ngài ngự trong một trụ mây dẫn đường và mang bóng mát, và ban đêm thì trong một trụ lửa. Ngài cũng truyền dạy họ dựng cho Ngài một Đền Thờ Tạm bằng gỗ và lều. Và Ngài nói, “ta sẽ ngự giữa vòng dân ta.” Đền Tạm có nơi Thánh là nơi hành lễ mỗi ngày, và nơi Chí Thánh, chỉ một năm một lần, chỉ duy nhất Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mới được vào làm lễ chuộc tội cho toàn dân. Lễ nầy là Ngày Đại Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur).
Đền Thờ Sa-lô-môn hay Đền Thờ thứ nhất.
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên định cư nơi Đất Hứa, họ vẫn thờ phượng Đức Chúa Trời tại Đền Tạm. Sau khi ổn định, dân chúng mới xin Chúa cho họ có một vì vua. Đến đời của vì vua thứ ba của họ là Vua Sa-lô-môn (năm 957 T.CN), Đức Chúa Trời mới cho phép vua được xây một Đền Thánh thật cho Ngài (không còn Đền Tạm nữa). Đền Thờ do vua Sa-lô-môn xây thật nguy nga và huy hoàng đúng với sự vinh quang của Đức Chúa Trời, và cũng theo cùng khuôn mẫu của Đền Tạm. Nhưng đền thờ nầy đã bị quân ngoại bang là Ba-by-lôn tàn phá (năm 586 T.CN). Dân Y-sơ-ra-ên lại bị tản lạc, bắt làm phu tù và nô lệ tại Ba-by-lôn. Đây là một thời kỳ đau thương trong lịch sử của người Do Thái.
Sau 70 năm xa xứ làm nô lệ nơi xứ người, cường quốc Ba-by-lôn bị một cường quốc mới là Ba Tư tấn chiếm và tiêu diệt. Vua Ba Tư là Cyrus cho phép dân Y-sơ-ra-ên được trở về lại quê quán, và cho họ được phép trùng tu Đền Thờ của họ.
Đền Thờ Hê-rốt hay Đền Thờ thứ hai.
Nhiều trăm năm trôi qua, dân Y-sơ-ra-ên (hay người Do Thái) tuy sống tại quê hương nhưng quốc gia Y-sơ-ra-ên không còn nữa, vùng đất nầy nay gọi là xứ Giu-đê và bị dưới quyền các cường quốc thế giới thời ấy thay nhau cai trị. Các cường quốc ấy là Ba Tư, rồi Hy Lạp và sau cùng là La Mã. Xứ Giu-đê cuối cùng được thống nhất dưới quyền vua Hê-rốt I hay Hê-rốt Đại Đế. Vua Hê-rốt được chấp nhận bởi chính quyền của Sê-sa tại La Mã. Vua Hê-rốt nầy hùng mạnh và đa nghi, nhưng ông xây dựng nhiều đền đài, thành trì trong xứ Do Thái để tôn vinh mình và đẹp lòng Sê-sa. Với Đền Thờ Chúa, thay vì tiếp tục trùng tu nó, ông đã nới rộng bốn bờ tường thành thật dầy để làm nền xây dựng một đền thờ mới, còn tráng lệ và huy hoàng hơn đền thờ cũ. Đền Thờ Hê-rốt hoàn tất năm 19 T.CN Đền thờ nầy là đền thờ mà Đức Chúa Jesus đã đến nhóm họp khi Ngài còn ở trần gian.
Năm 70 S.CN, Người La Mã cương quyết tàn diệt chế độ các vua và thầy tế lễ của xứ Giu-đê. Đền Thờ nguy nga của Hê-rốt Đại Đế xây bị quân La Mã đốt cháy và hủy phá hoàn toàn, y như lời Đức Chúa Jesus đã tiên đoán 40 năm trước khi Ngài lên thăm đền thờ rằng “không một hòn đá nào còn chồng lên hòn đá kia.”
Sau bao biến chuyển, chiến tranh, gió bão của vùng sa mạc, đến cả những tàn tích của thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ cũ cũng bị đất đá chôn vùi và nhiều trăm năm đã bị bỏ hoang cho đến khi dân cư của vùng ấy, phần lớn là người Hồi giáo xây đền thờ của họ ngay tại địa điểm vốn là nơi Chí Thánh của Đền Thờ. Đền thờ Hồi giáo được gọi là Dome of the Rock (Đền Thờ của Vầng Đá) được xây năm 692 S.CN, vì tục truyền rằng đó là vầng đá mà ông tổ Áp-ra-ham đã dâng con đầu lòng cho Đức Chúa Trời (người Do Thái cho Y-sác là con đầu lòng, người Ả-rập thì cho Ích-ma-ên là con đầu lòng). Phần còn lại duy nhất của Đền Thờ ngày xưa, nơi linh thiêng nhất của người Do Thái, ngày nay chỉ còn lại một bức tường ở hướng tây mà vua Hê-rốt đã xây.
Bức Tường Phương Tây là nơi mà trong đời một người Do Thái dầu phiêu lạc nơi nào trên thế giới cũng phải một lần về để cầu nguyện tại đó. Họ xem đó là tàn tích duy nhất của một Đền Thờ mà chính Đức Chúa Trời đã hiện diện thực thể. Tại đây người ta cầu nguyện và dâng lên Chúa nỗi niềm của họ, thương khóc một đền thờ huy hoàng cho Chúa ngự nay chẳng còn. Bức Tường Phương Tây cũng còn được gọi là Bức Tường Than Khóc.
Sau khi Đền Thờ Hê-rốt bị tàn phá năm 70 sau Chúa, xứ Giu-đê và các vua của họ không còn nữa, người Do Thái tản lạc khắp thế giới. Những người ở lại cũng sống chung chạ với người Ả-rập gần 2000 năm, và bao chinh chiến đã đến trên vùng đất Giu-đê (Palestine): từ La Mã đa thần đến La Mã Giáo Hoàng, rồi Chính Thống giáo và đế chế Byzantine, và cuộc chiến của Thập Tự Quân. Đến thế kỷ 19, Anh Quốc giữ ảnh hưởng của vùng nầy cho đến khi người Do Thái lưu vong đã trở về để tái lập quốc gia năm 1948. Nhưng Giê-ru-sa-lem lúc ấy vẫn còn thuộc về vùng trú ngụ của người Ả-rập. Trong cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, Do Thái mới dành lại được Giê-ru-sa-lem, nhưng vòng đai của Đền Thờ Vầng Đá vẫn thuộc dưới quyền người Hồi giáo và là nơi thánh của họ. Ước mơ xây dựng một Đền Thánh thứ ba cho Đức Chúa Trời của người Do Thái vẫn không có cơ hội thành hình.
Comments